Đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới

Đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới
Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những kết quả khả quan, không chỉ tạo việc làm cho nhiều LĐNT mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
 

Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, ông Ngô Hữu Hay (ảnh), Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng cho biết:

Công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại Lâm Đồng đang đi đúng hướng, tác động tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc đào tạo nghề có nhiều thuận lợi do được lãnh đạo tỉnh, các ban ngành quan tâm, hỗ trợ. Riêng năm 2011, tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ 4 tỷ đồng cho công tác này.

Hệ thống dạy nghề của tỉnh ngày càng phát triển, với 57 cơ sở dạy nghề, cơ bản đáp ứng nhu cầu học nghề của LĐ tại các vùng nông thôn, miền núi…

Đến nay, công tác đào tạo nghề cho LĐNT được triển khai đến 111/118 xã. Nhờ tổ chức tốt các lớp học nghề nên ngày càng có nhiều LĐ nhận thức được vai trò, ý nghĩa của việc học nghề, từ đó tham gia học nghề rất tích cực, đầy đủ.

Công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại Lâm Đồng còn gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Bên cạnh thuận lợi, công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại Lâm Đồng cũng gặp không ít khó khăn, trong đó, các cơ sở dạy nghề cho LĐNT quy mô còn nhỏ nên chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề. Theo khảo sát, nhu cầu học nghề của nông dân ngày càng cao, với 50 nghề cần học, nhưng tỉnh mới dạy được 24 nghề.

 

Kinh phí cho công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, do đó, việc mở thêm các nghề đào tạo là rất khó. Ở những vùng xa xôi, tỉnh chưa tổ chức được các lớp dạy nghề do thiếu kinh phí, giáo viên. Hiện, toàn tỉnh mới có khoảng 400 giáo viên tham gia công tác dạy nghề, chủ yếu tập trung ở các trường và trung tâm lớn. Nhiều lớp học vẫn phải thuê giáo viên ở các nơi khác.

 

Xin ông cho biết, trong thời gian tới, việc đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh được triển khai như thế nào?

Sau 2 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, toàn tỉnh đã có 11.780 LĐ được học nghề, trong đó tỷ lệ LĐ có việc làm chiếm 84,9%. Việc đào tạo nghề trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động và XDNTM. Theo đó, chúng tôi sẽ tập trung đào tạo những nghề phù hợp với tình hình phát triển chung hiện nay. Cụ thể, việc chuyển dịch cơ cấu LĐ cần được chú trọng theo hướng tăng các nghề công nghiệp, xây dựng, cơ khí, nghề thủ công…, còn cơ cấu LĐ trong nông nghiệp sẽ cố gắng giảm xuống mức phù hợp, mục tiêu lâu dài là dưới 40% LĐ nông nghiệp.

Lâm Đồng là tỉnh có tỷ lệ LĐ nông nghiệp cao nên các ban ngành sẽ ưu tiên cho việc học nghề sửa chữa máy móc phục vụ nông nghiệp. Đó vừa là tiền đề để chuyển dịch cơ cấu LĐ, vừa để người LĐ được học nghề mà xã hội đang có nhu cầu.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ bỏ phần dạy nghề lý thuyết riêng mà lồng ghép lý thuyết vào thực hành, dạy trực tiếp cho người LĐ các nghề ngay tại chỗ.

Ngoài việc thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu LĐ, việc dạy nghề cho LĐNT của tỉnh còn góp phần XDNTM, do đó, chúng tôi sẽ cố gắng nâng tỷ lệ LĐ qua đào tạo lên trên 25%. Để đạt được mục tiêu này, công tác đào tạo nghề sẽ tập trung vào các nghề có thế mạnh và phù hợp với từng xã; ưu tiên nguồn lực, kết hợp với các ban ngành khác trong việc tổ chức tuyên truyền để người LĐ nhận thức rõ vai trò của việc học nghề; tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên cho người học nghề, nhất là LĐ ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Xin cảm ơn ông!

Xuân Hướng (thực hiện)

Theo kinhtenongthon.com.vn