Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp
Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) ở tỉnh Đồng Tháp đã được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua. Đặc biệt địa phương đã làm tốt việc huy động sức dân cùng Nhà nước xây dựng NTM.
 

 

 

Ảnh minh họa (Nguồn: VNĐT)

Theo báo cáo của các địa phương, ngoài nguồn vốn từ ngân sách địa phương, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, còn có sự huy động đóng góp rất lớn từ người dân, doanh nghiệp, mạnh thường quân. Ước tính tổng nguồn lực đã huy động được là trên 100 tỷ đồng, gồm các khoản: hiến đất xây dựng các công trình cầu, đường, hệ thống thủy lợi, trường học, hệ thống chiếu sáng, ngày công lao động, đầu tư phát triển sản xuất... làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

 

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, nên ngay từ đầu tỉnh Đồng Tháp đã tích cực tuyên truyền, vận động để toàn dân hiểu rõ và cùng chung tay xây dựng NTM. Theo đó, chương trình đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng cao của người dân, doanh nghiệp, mạnh thường quân góp sức, góp công xây dựng giao thông nông thôn, phát triển kinh tế, sửa chữa trường học. Trong đó, phải kể đến sự chủ động, sáng tạo của các địa phương như: Tháp Mười, Tam Nông, Cao Lãnh, Châu Thành, Lấp Vò... với những cách làm hay, mang lại nhiều kết quả thiết thực.

 

Song song với các công trình hạ tầng thiết yếu, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng 10 mô hình sản xuất hiệu quả mang lại thu nhập và việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương được nhân rộng, điển hình như: mô hình trồng hoa màu, hoa kiểng, trồng ớt, sản xuất lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh; mô hình đan dây cói, lục bình, dệt chiếu...

 

Bên cạnh tập trung phát triển sản xuất với nhiều mô hình hiệu quả để tăng thu nhập cho người dân nông thôn, các địa phương còn quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội. Theo đó, có 300 căn nhà được xây dựng từ nhiều nguồn vận động như: vốn vay, các công trình lồng ghép, vốn đóng góp của gia đình, giúp người dân có nơi ở ổn định, an tâm lao động sản xuất; 100% số ấp ở 30 xã điểm được triển khai chương trình thắp sáng đường quê với chiều dài trên 500km, phát quang cây xanh che khuất tầm nhìn và trồng mới trên 10 tuyến đường; hỗ trợ 500 hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh...

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đăng Khoa trong buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp mới đây đã nhận xét: Đồng Tháp đã làm tốt công tác huy động sức dân. Sự đồng lòng, chung sức của người dân là bí quyết để xây dựng nông thôn mới thành công. Đó là kinh nghiệm cần được đúc kết để thực hiện trong thời gian tới. Tính đến nay, Đồng Tháp có 01 xã đã đạt 14 tiêu chí, 31 xã đạt từ 09 - 13 tiêu chí, 79 xã đạt từ 05 - 08 tiêu chí và 08 xã đạt dưới 05 tiêu chí. Với 6,7% xã đạt dưới 05 tiêu chí, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung 45% của cả nước là nền tảng để địa phương thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới.

 

Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới ở 30 xã điểm. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đang tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất cho các xã. Tuy nhiên, một số tiêu chí đăng ký phấn đấu nhưng khó hoàn thành theo kế hoạch như: giao thông, trường học, nhà ở, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, môi trường do nhu cầu vốn huy động đầu tư cao, cần có thời gian dài để thực hiện. Tỉnh xác định đầu tư hạ tầng là tiền đề, phát triển sản xuất là gốc, nâng cao đời sống của người dân là mục tiêu, lợi ích mang lại cho người dân là động lực và sự đồng lòng, chung sức của người dân là bí quyết thành công./.

Theo TTXVN