Mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020

Chương trình Xây dựng NTM là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, được nhiều tầng lớp nhân dân ủng hộ và tham gia, trải qua hơn 2 năm thực hiện, tại Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ công tác Thi đua, khen thưởng diễn ra tại Hà Nội, ngày 18.6.2012 do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì, ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục kinh tế Hợp tác và PTNN, kiêm CVP Ban chỉ đạo TW Chương trình mục tiêu Quốc gia Chỉ đạo NTM, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, hiệu quả của Chương trình đã tác động tích cực về mọi mặt đời sống của người dân.
Mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020

Theo ông Tăng Minh Lộc, kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước đã có bước chuyển biến tích cực, cụ thể: Nông thôn phát triển theo quy hoạch, kết cấu hạ tầng hiện đại, điều kiện sống và môi trường xung quanh của người dân được cải thiện rõ rệt, năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở và người dân được nâng cao; sản xuất hàng hóa phát triển, tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường và người dân đã tăng thu nhập, cải thiện đời sống; văn hóa nông thôn lành mạnh, dân chủ được phát triển cao hơn; người dân có niềm tin vào tương lai và thuần phong, mỹ tục được bảo tồn và phát huy.

Đạt được những thành công đó, phải kể đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Đặc biệt, Chính phủ & MTTQ đã phát động phong trào: “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM; Chính phủ đã ban hành kế hoạch phát động thi đua (Quyết định số 1620/QĐ-TTg), đồng thời, 100% tỉnh có kế hoạch hành động. …    
 
Tuy nhiên, để đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể: Hiện 100% xã đã đánh giá sơ bộ nhưng nhìn chung là chất lượng đánh giá còn thấp (số xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên là 1,2%; từ 10 -14 tiêu chí là 3,3%; từ 7-9 tiêu chí là 13%; dưới 7 tiêu chí là 82,5%). 
 
Có 60% số xã đã triển khai công tác quy hoạch và lập đề án xây dựng NTM, trong đó có 11% số xã đã phê duyệt xong quy hoạch chung. 47% số xã đã triển khai lập đề án xây dựng NTM.
Điều này cho thấy, tốc độ triển khai chậm là do: Đội ngũ cán bộ tư vấn thiếu; lãnh đạo các xã chưa có kiến thức đầy đủ về quy hoạch.
 
Ngoài ra, vấn đề phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập cho nông dân vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Nhiều huyện chưa có quy hoạch sản xuất nông nghiệp, phương pháp dạy nghề còn bất cập, hiệu quả thấp, người dân chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, chưa thu hút được doanh nghiệp…
 
Cũng theo ông Lộc, để hoàn thành NTM đúng tiến độ, điều quan trọng chính là: Vốn thực hiện chương trình hiện nay mong muốn cơ cấu vốn: Nhà nước ~40%, Cộng đồng ~60% (dân góp trực tiếp ~10%). Do cộng đồng quyết định. Tuy nhiên, thực tế: Cơ chế huy động vốn ngoài ngân sách chưa phát huy tác dụng; ngân sách Nhà nước còn thấp so với nhu cầu và mục tiêu xây dựng NTM (Năm 2011 mới đáp ứng khoảng 23%, năm 2012 dự kiến đáp ứng khoảng 30%; cả giai đoạn dự kiến đáp ứng được khoảng 40% so với nhu cầu).
 
Xác định rõ việc hoàn thành chương trình xây dựng NTM là rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia Chỉ đạo NTM đã xác định cụ thể đến 2015: Xây dựng trên 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; cơ bản hoàn thành Quy hoạch NTM (năm 2012); tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng KT - XH thiết yếu ở NT theo chuẩn mới; 100% cán bộ cơ sở được đào tạo kiến thức về phát triển NTM; thu nhập của dân cư nông thôn tăng gấp trên 1,5 lần so với hiện nay. Giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 8%.
 
Xa hơn là Mục tiêu đến 2020: Trên 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; cơ bản XD xong kết cấu hạ tầng KT - XH theo chuẩn NTM; nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; thu nhập của dân cư nông thôn tăng trên 2,5 lần so với hiện nay; tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%.
 
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục kinh tế Hợp tác và PTNN cho biết, mục tiêu cho năm 2012 cần củng cố chất lượng ban chỉ đạo các cấp: Tập huấn, đào tạo cán bộ; tập trung cho công tác quy hoạch (2011: 50% số xã; 2012: 100% số xã); lập đề án (2011: 50% số xã; 2012: 100% số xã); các Bộ, ngành hoàn thành các hướng dẫn còn thiếu; lựa chọn, dành vốn cho xây dựng một số hạ tầng thiết yếu ở nông thôn như: Giao thông, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, y tế, phát triển sản xuất, nhà sinh hoạt cộng đồng (do xã lựa chọn) nhằm tăng thu nhập; ưu tiên hỗ trợ, tư vấn nhiều hơn cho các xã tự nguyện đăng ký về đích trước trong giai đoạn 2011 – 2015. 
 
Xây dựng NTM đang trở thành phong trào rộng khắp cả nước, bước đầu huy động được sự tham gia của người dân và cộng đồng. Điều đó khẳng định Nghị quyết 26/NQ-TƯ là Nghị quyết toàn diện, công phu, đầy đủ và mang tính thực tiễn để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do đó các nội dung của Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, đã đạt một số kết quả ban đầu, tạo niềm tin và khích lệ quần chúng nhằm đưa kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước phát triển bền vững và toàn diện.
Theo thiduakhenthuong. org.vn