Nông thôn mới gắn với xây dựng đời sống văn hóa

Bình Định là tỉnh dẫn đầu các tỉnh Nam Trung bộ & Tây Nguyên về việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 27 xã đạt chuẩn, chiếm 20% trên tổng số xã khu vực nông thôn. Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Thanh – Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bình Định xung quanh vấn đề này.
Ông có thể cho biết hiện nay Bình Định đã và đang triển khai việc thực hiện chương trình xây dựng NTM như thế nào?
 
 - Thực hiện chương trình xây dựng NTM, tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, cùng các cấp, các ngành, Mặt trận, các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở tập trung chỉ đạo, quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, vận động nhân dân đầu tư sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi, nhà ở, công trình công cộng… Tạo phong trào thi đua sôi nổi, sâu rộng tại các địa phương. Đến nay toàn tỉnh đã có 7/124 xã khu vực nông thôn đạt trên 10 tiêu chí chiếm 5,6%; 20 xã đạt từ 7 – 9 tiêu chí mới, chiếm 16,1%; 52 xã đạt từ 5 – 6 tiêu chí đạt tỷ lệ 41,9%. Đồng thời xây dựng mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2015 sẽ đạt ít nhất 27 xã đạt tiêu chí NTM theo quy định của Chính phủ; đến năm 2020 sẽ có 65 xã đạt tiêu chuẩn này.
 
Như ông vừa nói đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ có 27 xã đạt NTM. Vậy theo ông, tỉnh Bình Định có biện pháp gì để đạt được kết quả đó?
 
- Trước hết chúng ta cần xác định rõ, việc xây dựng chương trình NTM thực chất là việc cụ thể hóa các cuộc vận động, trong đó CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ở nông thôn đóng vai trò nòng cốt. Để việc làm này có hiệu quả, cần được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của Trung ương, kết hợp với sự đầu tư của các cấp chính quyền địa phương và từ nguồn lực của người dân.
 
Bình Định sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nhân rộng các chương trình lồng ghép dự án, mô hình, điển hình làm ăn có hiệu quả, khuyến khích các hộ, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất theo hướng trang trại, sản xuất tập trung gắn với chế biến. Kết hợp việc củng cố và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống ở nông thôn, quan tâm đầu tư nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, đưa giá sản xuất nông nghiệp ngày một tăng, đến năm 2015 đạt trên7%.
 
Vậy Mặt trận có vai trò gì trong chương trình xây dựng NTM, cũng như phương hướng trong thời gian tới ở địa phương, thưa ông?
 
- Như tôi đã nói, việc xây dựng NTM luôn gắn liền với việc xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, nên vai trò của Mặt trận hết sức quan trọng. Đặc biệt công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức thực hiện từng mục tiêu, chiến lược đề ra, cũng như lộ trình phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của từng đơn vị cụ thể. Tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận động cán bộ đảng viên và nhân dân đoàn kết, đồng thuận trong phong trào xây dựng NTM. Từng bước thực hiện các tiêu chí, trong đó chú trọng đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong nhân dân và chuyển dịch dần cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn, kết hợp việc học nghề và đào tạo nghề với việc phát triển kinh tế phù hợp từng địa phương. Đặc biệt phát huy quyền dân chủ của nhân dân, quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch về tài chính đầu tư xây dựng NTM. Quan tâm chăm lo đến công tác cán bộ, giữ ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh góp phần ổn định trật tự an toàn thôn xóm. Từ đó, thúc đẩy Bình Định sớm hoàn thành việc xây dựng chương trình nông thôn mới.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
Nguyễn Hải Lộng (thực hiện)
Nguồn:
http://daidoanket.vn