Xây dựng hạ tầng nông thôn ở Đan Phượng: Huy động sức dân

Xây dựng hạ tầng nông thôn ở Đan Phượng: Huy động sức dân
Khi triển khai phát động phong trào xã hội hóa xây dựng hạ tầng nông thôn, trong thời gian ngắn, Đan Phượng đã thu được hàng trăm tỷ đồng do người dân đóng góp thông qua các công trình làm đường giao thông, nhà văn hóa, các công trình phúc lợi công cộng.

Nhiều công trình giao thông tại huyện Đan Phượng đã và đang được hoàn thiện.Ảnh: Bá Hoạt

Xã Tân Hội, huyện Đan Phượng triển khai xây dựng hạ tầng nông thôn bằng tiền đóng góp của dân khá sôi nổi. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Vỹ Hùng thống kê hàng chục công trình đã triển khai đưa vào sử dụng như: đường giao thông thôn Vĩnh Kỳ đầu tư hơn 4 tỷ đồng, đường trục 4 thôn kinh phí 5,3 tỷ đồng; đường giao thông thôn Thúy Hội 5,6 tỷ đồng; nhà văn hóa thôn Phan Long hơn 5 tỷ đồng; hệ thống tiêu thoát nước thôn Thượng Hội hơn 4 tỷ đồng... Không chỉ làm hạ tầng, người dân trong xã còn trồng cây tại đường làng, khu vực bờ ao sen, đường ra đồng, khu nhà trẻ, nghĩa trang… Kè đá quanh các ao và trồng cây xanh, vừa giải quyết ô nhiễm môi trường, vừa tạo cảnh quan cho làng quê.

Còn tại xã Liên Trung, người dân đã đóng góp trên 200 triệu đồng lắp đặt hệ thống chiếu sáng tại 25 xóm. Thôn Hạnh Đàm, xã Tân Lập; thôn Bá Dương Nội, xã Hồng Hà huy động được hàng tỷ đồng xây dựng cổng làng… Nhiều thôn, xóm làm tốt việc xã hội hóa xây dựng đường làng, ngõ xóm; trang thiết bị phục vụ hoạt động của nhà văn hóa; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng. Theo Phó Chủ  tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng, trong 6 tháng đầu năm 2012, các xã, thị trấn đã và đang chỉnh trang xây dựng được hơn 6,2km đường làng với kinh phí hơn 26 tỷ đồng; xây dựng, chỉnh trang hơn 26,6km đường ngõ xóm kinh phí hơn 17 tỷ đồng; xây dựng 27km rãnh thoát nước với kinh phí hơn 5,5 tỷ đồng. 

Ngoài ra, người dân huyện Đan Phượng còn hiến trên 400m2 đất làm đường giao thông thôn xóm. Trong đó, xã Phương Đình, hiến hơn 280m2, xã Thượng Mỗ hiến trên 100m2, thị trấn Phùng hiến hơn 30m2 đất… 

Trở lại xã Tân Hội, ông Nguyễn Vỹ Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ kinh nghiệm huy động sức dân: "Đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo. Đảng ủy xã đã thành lập BCĐ xây dựng làng văn hóa xanh - sạch - đẹp; đồng thời, thành lập Ban vận động tại 4 thôn tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Các thôn, xóm tự bàn bạc, đi đến thống nhất phương án đóng góp. Huy động con em trong làng thành đạt, các gia đình có điều kiện ủng hộ thêm". Nhờ vậy, chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, những công trình xây dựng từ vốn xã hội hóa trên địa bàn xã bằng cả 5 đến 7 năm trước cộng lại. 

Chủ tịch UBND xã Trung Châu Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm, do đặc thù diện tích rộng, dân ở thưa nên mỗi hộ thường phải đóng một lượng kinh phí khá lớn. Có gia đình đóng cả chục triệu đồng. Xã đã chọn chỗ dễ làm trước, chỗ khó làm sau. Thôn 5 (làng Vân Môn), thôn 6 (làng Phương Vinh) và thôn 9 (làng Lại Xa) làm trước với kết quả tốt, người dân trông vào đó mà làm theo, đẩy phong trào lan rộng ra toàn xã. "Đây là việc làm tưởng chừng như rất khó nhưng khi bắt tay vào triển khai lại dễ vì sức dân nhiều khi không ngờ tới. Trước đây chúng tôi chẳng bao giờ dám nghĩ đến việc thu hàng tỷ đồng từ người dân đóng góp để làm hạ tầng nông thôn" - ông Hậu cho biết.

 
 
Minh Phú
Nguồn hanoimoi.com.vn