Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp các xã vùng Trà Sơn

Ban Thường vụ Huyện ủy vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp các xã vùng Trà Sơn, triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị

Vùng Trà Sơn gồm có các xã Mỹ Lộc, Sơn Lộc, Đồng Lộc, Thượng Lộc, Gia Hanh, Phú Lộc, Nga Lộc. Đây là địa bàn có nhiều thuận lợi cho trồng cây ăn quả, chăn nuôi, trồng rừng. Sau 2 năm thực hiện  Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, toàn vùng xây dựng được 268 mô hình kinh tế có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, chiếm trên 48% toàn huyện;  36 hợp tác xã, 116 tổ hợp tác. Diện tích trồng lúa hàng năm trên 5.600 ha, sản lượng trên 30.000 tấn chiếm, trên 30% toàn huyện. Diện tích trồng cam, bưởi 464 ha/475 ha của toàn huyện, trong đó sản phẩm cam Thượng Lộc đã xây dựng và từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. Tổng đàn lợn trên 36.000 con, đàn bò trên 11.600 con, đàn gia cầm trên 302.000 con. Trong vùng có 3 cơ sở lợn nái ngoại cấp bố mẹ quy mô 300 nái, 15 cơ sở chăn nuôi lợn thịt liên kết, 1 mô hình bò sữa 265 con tại Thường Nga.

Cùng với đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế, Hội nghị cũng đã đưa ra các giải pháp phát triển cho vùng Trà Sơn trong thời gian tới. Trong đó chú trọng phát huy tiềm năng lợi thế của từng địa phương, đầu tư vào các sản phẩm mang tính lợi thế và chủ lực; triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách, khuyến khích hỗ trợ; tăng hiệu quả liên kết giữa doanh nghiệp và bà con nông dân; tích tụ ruộng đất, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, trồng cây nguyên liệu; áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Như Dũng, Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh để phát triển vùng Trà Sơn tương xứng với tiềm năng và lợi thế, các xã trong vùng phải xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị,  phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền; làm tốt công tác chuyển giao, tập huấn KHKT và tổ chức học tập kinh nghiệm để từng bước nhân rộng mô hình, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Mặt khác các xã cần làm tốt công tác quy hoạch, tích tụ ruộng đất, đổi mới hình thức sản xuất, lựa chọn sản phẩm chủ lực cho từng địa phương.

Theo Phương Mai – Anh Đức/Can Lộc