Can Lộc triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2016; bổ cứu chăn nuôi liên kết

Huyện Can Lộc vừa tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; bổ cứu mô hình chăn nuôi liên kết quy mô vừa và nhỏ. Tham dự có đại diện lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh; đại diện các doanh nghiệp liên kết chăn nuôi với các địa phương trong huyện. Ở huyện có các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Toàn cảnh Hội nghị

Năm 2015, UBND huyện đã chủ động ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nên tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm cơ bản ổn định, giảm  nhiều về số ổ dịch so với những năm trước đây. Toàn huyện đã triển khai tiêm phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm với tổng số gần 320 ngàn liều vắcxin các loại; phân bổ trên 540 lít hóa chất tiêu độc khử trùng cho các xã, thị trấn và các trang trại chăn nuôi; đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả 4 lò giết mổ gia súc, gia cầm tại các xã Song Lộc, Vĩnh Lộc, Đồng Lộc và Thị trấn Nghèn; tiến hành kiểm tra và xử lý 7 cơ sở kinh doanh thuốc thú y không đạt tiêu chuẩn.

          Về triển khai mô hình chăn nuôi theo hướng liên kết quy mô vừa và nhỏ, về cơ bản các địa phương đã có nhiều giải pháp tích cực, tạo sự kết nối giữa các hộ dân và doanh nghiệp thông qua các THT, HTX. Trong năm 2015, đã vận động thành lập mới 15 THT, 01 HTX, nâng tổng số THT nuôi lợn liên kết lên 21 THT. Các doanh nghiệp đã và đang liên kết với các hộ dân, như Công ty Cổ phần Nông lâm Hà Tĩnh; Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc; Công ty Cổ phần Công – nông nghiệp Lộc Trường; Tổng Công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh…đã có nhiều cố gắng trong  cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu từ cơ sở đã mạnh dạn chỉ ra những bất cập, hạn chế; bày tỏ những băn khoăn, trăn trở về MQH giữa doanh nghiệp và người sản xuất có lúc, có nơi chưa thực có sự gắn kết chặt chẽ; sự liên kết còn lỏng lẻo, thiếu bền chặt, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được niềm tin lẫn nhau để cùng phát triển; vai trò của THT, HTX còn chưa thực sự rõ nét, thiếu sự kiểm tra, điều hành trong quá trình sản xuất dẫn đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế  giữa các hộ thành viên chưa cao và không đồng đều.

          Với thái độ thẳng thắn, cầu thị, đại diện các doanh nghiệp đã trao đổi, chia sẻ với chính quyền huyện và cơ sở, các THT, HTX những khó khăn thuộc về chủ quan và khách quan; những tồn tại từ cả phía doanh nghiệp và người sản xuất; đề xuất một số giải pháp khắc phục; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục phối hợp tốt, giải quyết có hiệu quả những  hạn chế, tồn tại trong thời gian qua để tạo ra sự liên kết thực sự bền vững giữa doanh nghiệp với chính quyền và  người sản xuất trên địa bàn huyện Can Lộc.

          Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Đặng Trần Phong, PBT Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương, đơn vị; cán bộ chỉ đạo cơ sở nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo của huyện về phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; chăn nuôi liên kết; chỉ đạo và triển khai có hiệu quả các chủ trương, giải pháp của huyện và ngành dọc cấp trên; bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện và tham mưu cho huyện những giải pháp tháo gỡ khó khăn. Các doanh nghiệp cần chia sẻ, cùng với chính quyền vào cuộc, đảm bảo người dân được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia vào chuỗi liên kết trong chăn nuôi; cần nghiêm túc trao đổi, rút kinh nghiệm, tìm tiếng nói chung để tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người sản xuất, yếu tố quyết định thành công của hình thức chăn nuôi liên kết./.

Theo Bích Liên/Can Lộc