Hà Tĩnh công nhận nghề truyền thống mộc Thái Yên

Hà Tĩnh công nhận nghề truyền thống mộc Thái Yên
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Quyết định số 2569/QĐ - UBND công nhận “Nghề truyền thống Mộc Thái Yên"
 
Thái Yên trước kia là thôn cũ của xã Quang Chiêm (thuộc phủ Đức Quang- nay là xã Thái Yên, huyện Đức Thọ). Theo truyền ngôn và gia phả một số dòng họ lớn trong vùng cho biết thì buổi đầu một người họ Phan, thuỷ tổ họ Phan Đăng bây giờ đến dựng nhà trên vùng đất Kẹ thôn Thượng Xá (nay là Thanh Lạng) khai phá ra cánh đồng Thượng Thụy. Về sau các họ Trần Huy, Nguyễn Trọng, Nguyễn Viết ... cùng một số gia đình khác đến đây lập nên xóm Trửa, rồi thành lập thêm xóm mới hợp với xóm cũ thành thôn Thái Bình về sau đổi tên thành Thái Yên.

Nghề mộc Thái Yên có từ bao giờ và ai là “ông Tổ” thì đến nay vẫn chưa được xác định, nhưng nó đã tồn tại hàng trăm năm nay. Nghề mộc phát triển nhất vào khoảng cuối Thế kỷ XIX và thịnh nhất đầu Thế kỷ XX. Ban đầu sản phẩm chỉ là mâm chè, các loại đồ thờ bằng gỗ được đem bán các chợ trong vùng và tại Vinh. Từ khoảng năm 1935 –1940, thợ Thái Yên chuyển sang làm đồ gỗ kiểu mới bàn, ghế, gường, tủ cung cấp cho nhu cầu thành thị. Ngoài cơ sở sản xuất tại chỗ họ cùng nhau hùn vốn mở cửa hàng mộc thương hiệu Thái Yên tại Vinh và sản phẩm có tiếng, đựợc ưa chuộng tại các thành phố lớn Hà Nội, Sài gòn, Hải Phòng. Ngoài ra thợ mộc Thái Yên còn giỏi nghề chạm trổ tại các kiến trúc đình, đền, chùa.

Ở Thái Yên có nhiều người thợ tài hoa như ông Chắt Mậu Tô, ông Tuyết, ông Võ Em, ông phó Khởi và rất nhiều người nổi tiếng nữa nhưng tiêu biểu nhất vẫn là ông Hồng và ông Cửu Ngại. Đó là hai phó mộc có đôi bàn tay tài hoa, hai nghệ nhân tiêu biểu của đất Thái Yên nửa đầu Thế kỷ XIX mà ngày nay đang có nhiều kiệt tác và nhiều giai thoại của 2 ông để lại. Những thợ mộc nổi tiếng đó đã được vào kinh đô Huế thể hiện tay nghề, được các quan trong triều trọng dụng.

Qua nhiều giai đoan, bao thế hệ mộc Thái Yên đã đưa nghề nghiệp của mình đạt tới thương hiệu nổi tiếng trong toàn quốc. Ngoài những hàng gia dụng, các loại đồ thờ, người thợ Thái Yên đã để lại nhiều tác phẩm điêu khắc tuyệt tác trong kiến trúc đền, đình, chùa của khu vực Thanh - Nghệ - Tĩnh.

Làng Thái Yên còn có ngôi đền thờ Tổ sư nghề mộc là Lỗ Ban, đây là một công trình có kiến trúc gỗ mang giá trị nghệ thuật cao do chính tay người thợ mộc Thái Yên tạo dựng, ngoài những đồ thờ tự còn có bức hoành phi nổi tiếng “ Thiên thu chính khí" một tác phẩm nghệ thuật của thợ mộc Thái Yên.

Ngày nay, nghề mộc Thái Yên đã có trên 100 cơ sở sản xuất lớn nhỏ và ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí làng nghề trong sự phát triển của xã hội. Sản phẩm ngày càng phong phú hơn, ngoài đồ gia dụng, hàng mộc mỹ nghệ cao cấp đang được sản xuất nhiều, chiếm ưu thế trên thị trường và thương hiệu đồ gỗ Thái Yên luôn luôn đảm bảo đạt chất lượng, mẫu mã đẹp, được ngưòi dân trên khắp các vùng, miền biết đến.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh quyết định công nhận Nghề truyền thống Mộc Thái Yên sẽ tạo cơ hội tiếp tục bảo tồn, xây dựng và khẳng định thương hiệu cho sản Mộc Thái Yên trên thị trường lớn, đồng thời quảng bá nét đẹp văn hóa làng nghề truyền thống đến với du khách gần xa.
 
Nguồn khcnhatinh.gov.vn