Xã Sơn Lâm trồng chè công nghiệp - Hướng đi mới trong trong phát triển kinh tế hộ

Xã Sơn Lâm trồng chè công nghiệp - Hướng đi mới trong trong phát triển kinh tế hộ
Sơn Lâm là xã vùng sâu của huyện Hương Sơn với 80% diện tích là đồi, núi. Nếu như khi xưa người dân ở vùng này được mệnh danh là dân “cày trại” thì ngày nay, việc chuyển đổi sang trồng chè công nghiệp đã mở ra một hướng đi mới hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao, đổi thay đời sống cho người dân.

Ghé thăm vườn chè 2 năm tuổi của ông Nguyễn Văn Bình - Thôn Lâm Phúc xã Sơn Lâm, chúng tôi bị cuốn hút bởi những luống chè xanh mướt. Ông Bình vừa hái chè vừa phấn khởi trò chuyện: Nhờ được cung cấp giống đảm bảo cộng với chế độ chăm bón tốt, trong đó, chủ yếu là phân chuồng, nên vườn chè của gia đình phát triển tốt. Với diện tích gần 1ha nhưng ngay từ vụ đầu tiên mỗi tháng đã mang lại cho gia đình ông thu nhập khoảng 2 triệu đồng, dự kiến các năm tiếp theo thu nhập từ cây chè sẽ tăng lên gấp 3 đến 4 lần. Ông Bình cho biết chè sản xuất đến đâu đều được xí nghiệp chè Tây Sơn thu mua đến đó, với giá hợp lý. Đặc biệt là tranh thủ được thời gian nhàn rỗi, ngày nào cũng “hái ra tiền” đều đặn, ổn định từ vườn chè. Cách nhà ông Bình không xa, các hộ dân xung quanh đã mạnh dạn khai hoang, phá bỏ cây trồng hiệu quả kinh tế thấp chuyển sang trồng chè nguyên liệu.

Hộ ông Nguyễn Văn Bình thôn Lâm Phúc đang thu hoạch chè

Từ khi có chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã và cây chè được giá, người dân Sơn Lâm đã hăng hái mở rộng thêm diện tích trồng chè công nghiệp. 
Điển hình như hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thư (Lâm Khê), anh Đoàn Tiến Sỹ (Lâm Thọ) có gần 1ha. Khi có chủ trương trồng chè công nghiệp, các hộ gia đình đã được hỗ trợ vay vốn, cấp giống, được hướng dẫn kỹ thuật làm đất, bón phân, chăm sóc, thu hái… Từ nhu cầu của mỗi hộ gia đình, các thành viên đã tự nguyên tham gia hợp tác xã trồng chè. Đến nay hợp tác xã có 18 thành viên. Thông qua hợp tác xã, người dân được hướng dẫn về kỹ thuật làm đất, chăm bón; cung ứng giống chất lượng cao, hỗ trợ vay vốn để mua phân bón, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật,… Đồng thời, tạo điều kiện giúp bà con nông dân liên kết có hiệu quả với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, cũng như được giao lưu, học tập, trao đổi thông tin, kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống.

 

Cây chè phát triển tốt trên đất Sơn Lâm

Ông Hoàng Duy Bằng - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lâm cho biết, qua quá trình tìm hiểu tại các “Thủ phủ” chè của huyện là xã Sơn Kim 2, Sơn Tây cho thấy cây chè có khả năng khai thác lâu dài, năng suất ổn định, hiệu quả hơn so với cây keo mà bà con đang trồng và phù hợp điều kiện thổ nhưỡng Sơn Lâm. Chính vì vậy, thực hiện Đề án phát triển cây chè công nghiệp, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, trong năm 2016, ngoài chính sách của tỉnh, huyện xã còn hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/ha; phối hợp với xí nghiệp chè Tây Sơn để đảm bảo về cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm khi thu hoạch. Trong năm kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng mới khoảng 9 ha chè nhưng đến thời điểm này các hộ gia đình đã tự nguyện đăng ký và đang trồng mới với diện tích trên 14 ha.

Hiện nay không chỉ tại địa bàn Sơn Lâm, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện một số đơn vị khác như Sơn Tiến, Sơn Kim I... đang định hướng người dân ký kết với xí nghiệp chè Tây Sơn hình thành các vùng trồng chè công nghiệp, phát huy thế mạnh cây trồng chủ lực tại địa bàn góp phần cùng bà con nông dân ổn định cuộc sống, xây dựng chuỗi sản phẩm hàng hóa trong quá trình sản xuất.

Dẫu phía trước còn những khó khăn nhưng với thành công bước đầu từ mô hình trồng cây chè công nghiệp theo hình thức liên kết tại địa bàn Sơn Lâm đã làm thay đổi nhận thức của người dân về phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với thị trường; đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng năng suất lao động hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ dân trong thời gian tới.

 

Theo Võ Thị Hương/huongson.hatinh.gov.vn