Đà Nẵng: Xây khu nông nghiệp sinh thái tại khu nhà máy thép ô nhiễm Dana Ý
- Chủ nhật - 10/06/2018 10:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khu vực đất canh tác hoang hóa tại thôn Vân Dương 2 - nơi 2 nhà máy thép gây ô nhiễm đã phục hồi sản xuất, bao phủ màu xanh
Ông Trần Ngọc Anh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang cho biết, hoạt động nhằm khôi phục lại cánh đồng sản xuất hoang hóa tại xã Hòa Liên do 2 nhà máy thép gây ô nhiễm với hơn 30 hecta diện tích đất hoang hóa không sản xuất.
Đồng thời, phát động phong trào nông dân nói không với việc cắm bao ni lông đuổi chuột trên đồng ruộng; nhân rộng các điểm thu gom chai lọ, bao bị thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trên đồng ruộng nhằm hạn chế việc gây ô nhiễm đất đai và nguồn nước.
Ông Nguyễn Phú Ban- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng cho biết, hiện huyện Hòa Vang có 150 hecta đất hoang hóa không thể sản xuất.
Riêng tại thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên) có khoảng 30 hecta đất không sản xuất được vừa ảnh hưởng công trình giao thông Nguyễn Tất Thành nối dài và đặc biệt nằm gần khu vực 2 nhà máy thép bị ô nhiễm.
“Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, UBND, HĐND giao Sở cùng với địa phương tìm mọi biện pháp khôi phục sản xuất. Ngành đã rất nỗ lực, đến bây giờ đã phục hóa lại 20ha đất sản xuất trong tổng 30ha đất hoang hóa. Có nhiều yếu tố, trong đó yếu tố thủy lợi là chính. Sau một tháng chỉ đạo, cánh đồng đã đi vào sản xuất. Nơi đây có một hệ sinh thái rất đẹp, trên là vùng lúa, bên cạnh là hàng loạt bàu sen. Quan điểm của ngành, nếu ổn định sẽ xây dựng một quy trình sản xuất lúa hữa cơ tại đây. Đồng thời phục hồi lại khu vực bàu sen nơi đây hướng tới sản xuất sạch, nâng cao chất lượng, thu nhập cho người dân và tạo nên hệ sinh thái hướng đến xây dựng thành một khu nông nghiệp sinh thái hướng tới du lịch…”, ông Ban cho biết thêm.
Điểm thu gom rác của Hội ND kêu gọi bà con nông dân hạn chế việc gây ô nhiễm đất đai và nguồn nước
Trước đó như Dân Việt đưa tin, trong một thời gian dài, 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nhiều năm qua, người dân Hòa Liên đã tập trung trước cổng 2 nhà máy yêu cầu khắc phục ô nhiễm, di dời dân hoặc di dời nhà máy.
Sau nhiều lần đối thoại, UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định di dời 2 nhà máy thép gây ô nhiễm và phục hồi khu vực sản xuất cho người dân khu vực.
Theo Kim Oanh (danviet.vn)