Hiệu quả áp dụng công nghệ mới
- Thứ ba - 16/02/2016 21:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Lê Đình Chiến, thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận là người đầu tiên lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm bằng năng lượng mặt trời phấn khởi cho biết, gia đình tôi trồng 3ha mía, mỗi vụ mía trước đây phải tốn chi phí hơn 15 triệu đồng tiền dầu để phục vụ tưới tiêu.
Việc tưới trong thời gian hơn 10 ngày, tưới nước mía bằng máy dầu rất vất vả, tốn rất nhiều công lao động và làm ảnh hưởng đến môi trường. Song giờ đây, nhờ sự hỗ trợ 70% kinh phí từ Công ty cổ phần Mía đường Phan Rang và 30% kinh phí từ gia đình mà ông Chiến mạnh dạn lắp đặt toàn bộ hệ thống tưới nước tiết kiệm bằng năng lượng mặt trời nên tiết kiệm được chi phí và công sức.
Ông Chiến là người đầu tiên của Ninh Sơn được lắp đặt hệ thống này, hệ thống bao gồm: Mô tơ điện, tấm bin, bộ chuyển đổi, vòi phun, tổng chi phí đầu tư gần 90 triệu đồng, tuổi thọ của hệ thống trên 20 năm, trong điều kiện thời tiết bình thường hệ thống sẽ hoạt động tưới tiêu cho ruộng mía.
Sau khi áp dụng vào thực tế đã tiết kiệm hơn 15 triệu đồng/năm, giải phóng được sức lao động, hệ thống tưới nước cũng dễ dàng vận hành, mỗi ngày tưới từ 3-4 sào mía, hệ thống máy gọn nhẹ, tưới nước bằng năng lượng mặt trời vừa giảm dịch bệnh trên cây trồng và tăng được năng suất.
Ông Lê Đình Chiến cho hay, nhờ công nghệ tưới nước tiết kiệm mới giúp cho năng suất mía tăng từ 20 – 30% trong niên vụ vừa rồi. Hệ thống tưới được toàn bộ phần rễ, lá và thân cây mía, thời gian tưới hiện nay chỉ còn 6 ngày, công nghệ này đã đem lại cho ông thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Theo ông Văn Hữu Thận, Phó giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty cổ phần Mía đường Phan Rang, thời gian qua công ty có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân trong đó chính sách hỗ trợ nông dân lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm bằng năng lượng mặt trời là một trong những chính sách mà công ty đặc biệt quan tâm.
Trong niên vụ năm 2015 - 2016 đã hỗ trợ 1 hệ thống tưới nước tiết kiệm bằng năng lượng mặt trời với tổng chi phí đầu tư gần 90 triệu đồng. Thấy được hiệu quả thành công, niên vụ năm 2016 – 2017 công ty phối hợp Ban điều phối dự án tam nông tỉnh Ninh Thuận lắp đặt 12 hệ thống cho 12 hộ nông dân thuộc xã Quảng Sơn và Mỹ Sơn, với tổng số tiền gần 900 triệu đồng.
Hiện tại, doanh nghiệp phối hợp với chính quyền và các hộ nông dân đã lắp đặt được 7 hệ thống, 5 hệ thống còn lại đang tiếp tục triển khai. Cũng theo ông Thận, công nghệ này có thể tưới toàn bộ cây mía, giảm dịch bệnh cây trồng nên năng suất cây mía tăng lên rõ rệt. Ninh Thuận là một trong những tỉnh miền Trung có khí hậu khắc nghiệt mảnh đất được xem là “thừa nắng thiếu mưa” việc đưa công nghệ này sẽ giúp nông dân giảm bớt khó khăn và tiết kiệm được nước tưới.
Minh Trung
http://thoibaonganhang.vn/