Nuôi dông đơn giản, lãi lớn

Nuôi dông đơn giản, lãi lớn
Thức ăn cho dông rất dễ tìm kiếm, chủ yếu là cây, rau muống, rau lang, cà chua, dưa hồng, dưa gang. Đến thời điểm gần thu hoạch dông, cần bổ sung các thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng.

 

Anh Ngô Thành Long, ở thôn Tân Hải, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) là người đầu tiên ở Khánh Hòa mạnh dạn đưa một loài vật “lạ hoắc” là con dông vào nuôi thả thử nghiệm với hiệu quả thu được ngoài mong đợi. Anh Long cho biết, hiện anh đang tận dụng 6.000m2 đất trong vườn nhà mình, để thả nuôi trên 10.000 con dông lớn, nhỏ.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi loài vật này, anh Long cho biết: “Chuồng nuôi dông phải được bao bọc bằng tôn ximăng có độ nghiêng khoảng 10 độ để cho dông khi bò lên rơi xuống không ra ngoài được”. Cũng theo anh Long, dông là loài thích hợp nuôi trên đất cát sa mạc hóa (là đất cát tự nhiên), vì thế phía trên, chúng ta có thể trồng các cây xoài có độ che mát cho dông khi gặp thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.

Thời gian thả giống đến khi thu hoạch một lứa dông là 7 tháng; trọng lượng trước khi thả là 50g, sau 7 tháng nuôi có trọng lượng là 150 - 200g. Thức ăn cho dông rất dễ tìm kiếm, chủ yếu là cây, rau muống, rau lang, cà chua, dưa hồng, dưa gang. Đến thời điểm gần thu hoạch dông, cần bổ sung các thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng bột bắp, cám.

Dông rất thích hợp nuôi ở vùng đất cát của duyên hải miền Trung như Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa. Dông cũng là động vật không uống nước, ít dịch bệnh, dễ nuôi, thích ngủ đông, chỉ ăn trong 7 - 8 tháng trong năm, còn 4 tháng còn lại không ăn.

Mỗi năm sinh sản 2 đến 3 lần, mỗi lần đẻ 7 – 8 trứng, khoảng 30 ngày trứng nở thành con, sinh sản và sinh trưởng rất nhanh. Dông có thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhất là ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Với giá bán hiện nay, sau khi trừ chi phí mỗi sào nuôi thả dông, người nông dân có thể thu lãi từ 40 – 50 triệu đồng cho mỗi vụ.