Trồng thảo quả dưới tán rừng: Mô hình đa lợi ích

Trồng thảo quả dưới tán rừng: Mô hình đa lợi ích
Đầu năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện Na Hang (Tuyên Quang) xây dựng và thực hiện dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng thảo quả dưới tán rừng tại 2 xã Khâu Tinh và Sinh Long, với mục đích vừa phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc vùng rừng phòng hộ, vừa bảo vệ vốn rừng.
 
Hướng dẫn nông dân chăm sóc cây thảo quả.

Mô hình được triển khai trên quy mô 5ha, với 10 hộ tham gia; các hộ được hỗ trợ cây giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc thảo quả theo đúng quy trình kỹ thuật, từ khâu phát dọn thực bì, đào hố, bỏ phân đến tiếp nhận cây giống... Đến nay, các hộ đã trồng xong, đồng thời đang tích cực chăm sóc cây thảo quả.

Bà Ma Thị Trường, Phó trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Na Hang cho biết, giá trị kinh tế của cây thảo quả đã tác động tích cực đến ý thức người dân trong công tác bảo vệ rừng, không chỉ giữ rừng già, rừng tự nhiên để nâng cao độ che phủ (đặc biệt là khu vực rừng phòng hộ Na Hang) mà còn chủ động trồng mới vườn rừng để nâng cao thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo. Ngoài ra, 100% số hộ tham gia dự án đã ký quy ước quản lý, xây dựng mô hình sản xuất thảo quả bền vững dưới tán rừng. Đây chính là điều kiện thuận lợi để cán bộ khuyến nông cũng như chính quyền địa phương yên tâm trong quá trình phát triển, thực hiện dự án.

Được biết, Khâu Tinh và Sinh Long là 2 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 70%; có 136ha đất nông nghiệp nhưng chỉ có 8ha là đất ruộng 2 vụ. Việc sản xuất của người dân chủ yếu là tự cung tự cấp, sản phẩm chính là lúa, ngô, đỗ tương, đỗ xanh, lạc... nên đời sống còn rất nhiều khó khăn. Do đó, việc phát triển mô hình trồng thảo quả dưới tán rừng là tiền đề để hai địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là chưa kể, việc thực hiện mô hình trồng thảo quả dưới tán dừng ở Na Hang còn giúp giữ nước cho công trình thuỷ điện Tuyên Quang.

Vũ Văn Tuấn