Cần thực hiện mô hình HTX trong làng nghề

Cần thực hiện mô hình HTX trong làng nghề
Bên lề cuộc tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề phát triển làng nghề Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thăm làng nghề đúc đồng Ý Yên, Nam Định.
 

°Phóng viên: Liệu sản phẩm làng nghề truyền thống có đáp ứng được cuộc sống hiện đại không, thưa chủ tịch?
 

°Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN: Thuận lợi là sau 1.000 năm, nhu cầu sản phẩm văn hóa trong xã hội Việt Nam vẫn tăng. Đó là động lực cho làng nghề. Nhưng có một thay đổi quan trọng là chúng ta không sống ở nền kinh tế làng xã nữa, mà là kinh tế thị trường, đặc biệt là gắn với hội nhập quốc tế. Làng nghề muốn sống được thì phải đáp ứng những yêu cầu căn bản là chất lượng ngày càng nâng cao, chi phí giảm, mẫu mã phong phú và đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.
 

°Vậy để nghề truyền thống Việt Nam “sống” được,  cần phải thay đổi ra sao?
 

°Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN: Điều sống còn của làng nghề truyền thống Việt Nam hiện nay là phải tạo sức mạnh cạnh tranh để giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tiếp cận thị trường số đông nhưng sản phẩm vẫn đảm bảo cá thể hóa. Điều đó từng hộ không làm được. Ví dụ như làng nghề Phù Lãng, mỗi hộ khi sản xuất phải sắm một máy đùn đất kiểu cũ trị giá 10 triệu đồng. Máy này chỉ trộn và đùn đất tương đối mềm, chưa làm mịn và loại trừ hết tạp chất nên chất lượng sản phẩm chưa cao. Còn nếu mua một máy đùn đất kiểu mới đảm bảo chất lượng cao thì giá 300 triệu đồng. Một hộ không thể sắm máy 300 triệu đồng nhưng nếu 30 hộ cùng gom tiền vào mua 1 máy thì tất cả các hộ đều có sản phẩm tốt.
 

HTX cũng sẽ giải quyết được vấn đề mẫu mã sản phẩm của làng nghề. HTX có thể thành lập ra một tổ về nghiên cứu thị trường và mẫu mã rồi phổ biến thông tin cho tất cả các hộ. Ví dụ có thể xác định được đồ gốm vào căn hộ chung cư như thế nào, đồ gốm vào khách sạn, vào khu du lịch, quà lưu niệm được thiết kế như thế nào... Những nhu cầu đặc thù đó một hộ không thể nghiên cứu được. Và có nghiên cứu rồi cũng không thí nghiệm được.
 

Nếu có HTX thì thành lập 1 tổ chuyên lo nguyên liệu, tổ lo thị trường làm mẫu mã sản xuất thử nghiệm, khi ổn rồi sẽ chuyển giao toàn bộ thiết kế và kỹ thuật cho từng hộ để sản xuất. Hay trong khâu tiêu thụ cũng vậy, vừa rồi tôi về làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh), bà con đề nghị nhà nước hỗ trợ kinh phí để chở đồ gốm đi triển lãm ở Đồng Nai. Bà con nói một chuyến chở đồ đi quảng bá tốn 20 triệu đồng, họ không làm được. Nếu cả làng có hàng chục hộ đều đi triển lãm thì chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhưng nếu có HTX thì chỉ cần đại diện 2-3 người đi, có thể quảng bá cho cả làng. Tôi cho rằng, nếu thực hiện mô hình HTX trong làng nghề thì vừa tạo động lực của từng hộ chăm chút sản phẩm của mình thật tốt, thật đẹp để có nhãn hiệu riêng; đồng thời những nhu cầu chung được giải quyết qua HTX thì hiệu quả sẽ cao hơn.
 

Hiện nay, mô hình HTX trong làng nghề chưa có. Các bộ ngành nên cùng với  MTTQ, Hiệp hội làng nghề, Liên minh Hợp tác xã để chọn xây dựng điểm một số HTX đầu tiên của làng nghề theo mô hình HTX kiểu mới. Qua thời gian hoạt động nếu có sức thuyết phục sẽ nhân rộng thêm.

Theo sggp.org.vn