Triệu phú trẻ ở Đồng Bào

Triệu phú trẻ ở Đồng Bào
Đứng trước cơ ngơi trị giá cả tỷ đồng, với ngôi nhà cao tầng khang trang cùng cơ sở sản xuất hương và trang trại chăn nuôi lợn khép kín của gia đình anh Nguyễn Văn Thường ở thôn Đồng Bào, xã Triệu Sơn (Triệu Phong - Quảng Trị), ai cũng khâm phục ý chí làm giàu của đôi vợ chồng trẻ này.
Năm 2003, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, Thường mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn, gà. Tuy nhiên, lúc đó do thiếu vốn cũng như kinh nghiệm nên quy mô còn nhỏ, hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. Vì vậy, song song với việc chăn nuôi, Thường phải đi làm thêm một số nghề phụ khác nhằm tăng thu nhập và tích lũy thêm vốn đầu tư. Năm 2005, được các cơ quan chức năng và chính quyền xã Triệu Sơn tạo điều kiện, Thường làm thủ tục đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Sau gần 7 năm làm việc ở nước bạn, anh trở về quê hương với ước mơ, hoài bão được làm giàu trên chính quê hương mình. 

Sau khi về nước, Thường bàn với vợ đầu tư mở xưởng sản xuất hương trầm và xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn khép kín. Xưởng sản xuất hương trầm có tổng diện tích 160m2. Nguyên liệu làm hương trầm gồm: bột xay từ cây quế, cây trầm. Thường bỏ ra 140 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, ngoài ra còn đầu tư mua máy làm hương tự động, nhờ đó sản lượng làm ra ổn định, chất lượng đảm bảo, được khách hàng gần xa tin dùng.

Cùng với sản xuất hương, mô hình chăn nuôi lợn khép kín của gia đình anh cũng mang lại hiệu quả cao. 

Đầu năm 2012, Thường bắt đầu xây dựng trang trại nuôi lợn nái hậu bị trên diện tích 80m2, ban đầu nuôi 30 lợn nái hậu bị, đến tháng 12/2012, lợn bắt đầu sinh sản và đến nay, tổng đàn đạt 130 con. Nhờ cần mẫn, chịu khó làm ăn nên mỗi năm trang trại chăn nuôi lợn của Thường cho xuất chuồng hàng trăm con lợn và bán ra thị trường khoảng 14 tấn hương thành phẩm, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, lượng hương tiêu thụ tăng đáng kể. Từ chỗ quanh năm chỉ dựa vào mấy sào ruộng khoán ít ỏi, bằng sự quyết tâm của tuổi trẻ, mô hình sản xuất hương trầm và chăn nuôi lợn của Thường mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động là thanh niên địa phương, trong đó có 3 người tàn tật, với mức lương trung bình 1,8 - 2 triệu đồng/người/tháng. 

“Dù trang trại của tôi mới xây dựng được gần hai năm nhưng với kinh nghiệm chăn nuôi lợn trong những ngày ở Hàn Quốc nên việc chăn nuôi của vợ chồng tôi rất thuận lợi. Nếu ở địa phương ai có nhu cầu, tôi sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh”, Thường chia sẻ. 

Đánh giá về mô hình kinh tế của Thường, anh Nguyễn Ngọc Tiến, Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh huyện Triệu Phong, cho biết: “Đây là mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức cho thanh niên trên địa bàn huyện tham quan mô hình của anh Thường, từ đó có thể học tập làm theo, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình”. 

Những gì anh Thường làm được chứng minh một điều: trong cuộc sống nếu chúng ta có ý chí, nghị lực và quyết tâm thì mọi ước mơ đều có thể trở thành hiện thực.
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn