Chuyện con sán và Sự bất an

Câu chuyện hàng ngàn gia đình ở Thuận Thành (Bắc Ninh) đưa con lên Hà Nội, chầu chực ngày đêm để xét nghiệm máu nhằm xác định xem con cháu mình có nhiễm sán dây lợn không đã làm nóng cả xã hội.

Nóng tới mức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ và giao Bộ Công an điều tra làm rõ thực phẩm bị nhiễm ấu trùng sán lợn tại tỉnh Bắc Ninh.

tr8d.jpg
 Phụ huynh Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành – Bắc Ninh) đưa con đi xét nghiệm.

Không phải vô cớ mà hàng ngàn gia đình đưa con đi xét nghiệm với chi phí không nhỏ. Chuyện bắt đầu từ việc một phụ huynh Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành – Bắc Ninh) phát hiện nhà trường cho các cháu ăn thịt lợn nghi bị bệnh gạo (sán gạo) và phát clip trên mạng xã hội.

Qua chuyện trên thấy việc hàng ngàn gia đình đưa con em đi khám, xét nghiệm dù mất thời gian, tốn tiền bạc là bởi họ bất an.

Thứ nhất, họ bất an bởi sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của Ban giám hiệu Trường Mầm non Thanh Khương và cơ quan chức năng trong kiểm tra, giám sát thực phẩm khi đưa vào bữa ăn của trẻ.

Bất an thứ hai là bởi sự vào cuộc không kịp thời của các cơ quan chức năng, nhất là các ngành y tế, bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ pháp luật, khiến cho các mẫu thực phẩm không được lưu giữ để kiểm tra.

Sự vào cuộc của các cơ quan thông tin đại chúng lúc đầu chỉ chạy theo vụ việc mà chưa tuyên truyền để người dân hiểu đúng bệnh, khiến người dân thêm hoang mang và bất an.

Hệ thống pháp luật tuy đã có nhưng chế tài chưa đủ mạnh để những kẻ bất lương trục lợi trên sức khỏe những mần non tương lai của đất nước cũng khiến họ bất an.

Người dân còn bất an bởi việc các cơ sở y tế không chỉ định xét nghiệm tìm trứng sán và đốt sán (xét nghiệm phân) mà lại là xét nghiệm huyết thanh (xét nghiệm máu) để tìm kháng thể chống ấu trùng sán. Khi biết điều này họ rất bất bình với cách làm của  những cơ sở xét nghiệm, vừa khiến họ hoang mang, vừa khiến họ mất tiền, mất thời gian.

Thêm vào đó, trong lúc “nước sôi, lửa bỏng” thì phát ngôn của một số người cho rằng, qua xét nghiệm huyết thanh thấy tỷ lệ trẻ ở Trường Mần non Thanh Khương tương đương tỷ lệ nhiễm sán chung cả nước, có nghĩa là ăn thịt lợn nghi bị bệnh gạo không ảnh hưởng gì (thực ra phương pháp xét nghiệm sai dẫn đến phát ngôn không chuẩn xác - NV).

Việc tổ chức một ban giám sát thực phẩm đưa vào trường có sự tham gia của cộng đồng và đại diện cha mẹ học sinh chưa nhận được sự ủng hộ của nhà trường khiến họ tiếp tục bất an. Không biết con mình có còn tiếp tục ăn phải thực phẩm bẩn không?

Hy vọng chuyện con sán không lặp lại ở mọi khía cạnh.

Theo Thanh Hiền/kinhtenongthon.vn