Cẩm Xuyên: Dân ngán ngẩm sống chung với nguồn nước nhiễm phèn nặng
- Chủ nhật - 02/09/2012 04:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
"Quen rồi" dùng nước phèn...
Xã Cẩm Lĩnh hiện có hơn 200 hộ dân đang phải dùng nước bị nhiễm phèn nặng, tập trung ở thôn 5, thôn 6 và thôn 10.
Anh Trần Văn Tý đang múc từng xô nước nhiễm phèn để tắm rửa, giặt giũ... |
Tìm đến thôn 5, chúng tôi được bà con dẫn vào tận nhà cho xem nguồn nước vàng ngầu mà họ đã dùng hàng thập kỷ qua. Vừa múc nước, anh Trần Văn Tý - người dân thôn 5 vừa lắc đầu ngán ngẩm: "Chú xem, nước vàng khè, vàng khẹt thế này làm sao mà dùng được, phải lọc qua hai - ba lần mới dùng được. Rứa mà nhà tui phải dùng thứ nước này hơn 30 năm rồi đó".
Để có nước, hầu hết người dân nơi đây phải đào giếng để lấy nước từ lòng đất với độ sâu khoảng 16 - 17m, nhưng khi có nước lại bị nhiễm phèn nặng. Bà con phải xây một bể lọc nước chứa cát, đá và than để lọc nước phèn mới có thể sử dụng. Theo anh Trần Đình Long ở thôn 6 thì ở trong thôn, 10 cái giếng thì có tới 7 cái là bị nhiễm phèn rất nặng, phải dùng bể lọc qua, lọc lại nhiều lần mới có thể dùng.
Cho dù đã qua bể lọc, song nguồn nước của bà con vẫn không đảm bảo để sử dụng, nước vẫn có mùi hôi, vị chua, và khi giặt xong phèn vẫn bám dính, vàng úa áo quần. Chị Trần Thị Minh cũng ở thôn 6 cho biết: "Dùng nước phèn lâu rồi, bệnh trọng như ung thư, các bệnh về thận thì chưa thấy, nhưng vẫn thấy ngứa ngáy, người không được khỏe, mệt mỏi, khờ khạo... Người lớn thì còn cố gắng mà chịu, chứ trẻ con thì tội lắm".
Không chỉ người dân xã Cẩm Lĩnh mà nhiều hộ dân các xã Cẩm Lộc, Cẩm Sơn, Cẩm Trung của huyện Cẩm Xuyên, cũng cùng chịu tình cảnh nguồn nước bị nhiễm phèn nặng nề.
Eo hẹp kinh phí
Mặc dù phải sống chung với nguồn nước bị nhiễm phèn nặng hàng chục năm trời nay, nhưng người dân Cẩm Lĩnh không có cách nào để có nguồn nước sạch mà sử dụng, vì đời sống bà con còn gặp rất nhiều khó khăn. Còn chính quyền địa phương cũng không thể đưa ra được một giải pháp để khắc phục.
Ông Trần Đình Lam - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho hay: "Chuyện người dân dùng nước bị nhiễm phèn, xã biết nhưng do ngân sách của xã eo hẹp, nên chưa thể đưa nước máy về với bà con được. Trước mắt, xã tiếp tục vận động bà con xây bể lọc để giảm bớt đi phần nào độ phèn trong nước. Còn xã thì không có giải pháp nào hiệu quả hơn nữa".
80% số rác thải vứt bừa bãi
Theo một kết quả khảo sát mới đây của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường (Bộ NNPTNT), với khoảng 70% dân số ở khu vực nông thôn, mỗi năm phát sinh 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt và khoảng 7.500 tấn vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó có khoảng 80% khối lượng rác thải chưa được thu gom xử lý hợp vệ sinh, xả trực tiếp ra môi trường.
Thanh Vân
Ninh Bình: 27 tỷ đồng xây trạm cấp nước sạch
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", xã Gia Tường (huyện Nho Quan, Ninh Bình) đã đầu tư hơn 27 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 90%, còn lại là ngân sách xã và nhân dân đóng góp) để xây dựng trạm cấp nước sạch trên diện tích 1.200m2, công suất là 600m3/giờ. Công trình hiện đang thi công được trên 60% khối lượng công việc, dự kiến đến đầu tháng 2.2013 hoàn thành đưa vào sử dụng, cấp nước sinh hoạt cho hơn 10 nghìn người dân ở 2 xã Gia Tường và Gia Lâm.
Lý Phương
Phúc Quang