Có những hình thức dạy nghề nào cho lao động nông thôn?
- Thứ sáu - 15/06/2012 22:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hỏi đáp chính sách:
Quyết định 1956/QĐ-TTg không quy định cụ thể về hình thức tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. Thời gian dạy nghề được quy định trong chương trình dạy nghề cụ thể; địa điểm, tiến độ đào tạo thực tế có thể thực hiện linh hoạt cho phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sinh hoạt, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của lao động nông thôn theo đặc điểm của từng địa bàn, từng lĩnh vực.
Tuy nhiên, để dễ sắp xếp lớp học, các hình thức dạy nghề được lựa chọn là: Dạy nghề lưu động và dạy nghề tại các trường/cơ sở dạy nghề/cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ (dạy nghề tại chỗ).
Tôi được biết hiện có nhiều nghề nông nghiệp không có giáo trình chuẩn để dạy. Xin hỏi, việc xây dựng chương trình dạy nghề sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng tuân theo chuẩn nào? (Nguyễn Văn Mạnh, Phú Xuyên, Hà Nội)
Việc xây dựng Chương trình dạy nghề cũng linh hoạt theo nguyên tắc dựa trên năng lực thực hiện; Chương trình dạy nghề định hướng theo nhu cầu tuyển dụng tại các vị trí việc làm. Hiệu trưởng trường nghề hoặc giám đốc trung tâm dạy nghề có thể xây dựng chương trình dạy trên cơ sở chuẩn nghề chung do Tổng cục Dạy nghề thẩm định (hiện đã có khoảng gần 200 nghề ngắn hạn đã được thẩm định). Căn cứ vào thực tế, đối tượng người học, trong mỗi khóa đào tạo cụ thể hiệu trưởng, giám đốc các cơ sở dạy nghề điều chỉnh, chỉnh sửa nội dung, thời lượng chương trình dạy nghề đã có cho phù hợp.
Ví dụ cụ thể nhất là cũng giáo trình về chăn nuôi lợn, nhưng một số vùng nông dân muốn phát triển nghề chăn nuôi lợn rừng thì giám đốc các cơ sở dạy nghề có thể mời chuyên gia giảng dạy viết thêm phần chăn nuôi lợn rừng và thực hành...
Ngô Thắng tài liệu từ Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH)