Cùng với đó, sự liên kết lỏng lẻo thể hiện ở ngay trong các hợp đồng, khi việc xử lý các vi phạm chưa có chế tài, giải pháp phù hợp để ràng buộc. Đối với người nông dân, một chủ thể quan trọng của mối quan hệ liên kết này thì hiện còn nhiều hạn chế về trình độ học vấn, do đời sống kinh tế, thu nhập thấp cho nên phần lớn không hướng tới lợi ích lâu dài, không muốn đầu tư, hợp tác sản xuất với doanh nghiệp một cách bền vững.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trương liên kết bốn "nhà" đã cố gắng triển khai thực hiện một số lĩnh vực như bò sữa, mía đường thì liên kết tốt; một số sản phẩm nông dân không nhất thiết phải liên kết thì còn lỏng lẻo. Trong năm 2014 đã thực hiện trên cây lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, có hơn 100 doanh nghiệp liên kết với nhà nông, sản xuất trên 172.000 ha, nhưng chỉ có 45.000 ha thành công, còn lại bỏ cuộc giữa chừng. Hiện nay, số doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm gần 4% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước. Doanh nghiệp thật sự muốn liên kết, có năng lực tài chính, kho bãi, nhà máy chế biến thì không nhiều. Tại khu vực nông thôn, các hình thức tổ hợp tác, HTX rất ít cho nên doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải liên kết với hàng nghìn hộ nông dân chứ không phải là một đơn vị đại diện hay một pháp nhân. Nguyên nhân nữa khiến mối liên kết bốn "nhà" chưa chặt chẽ chính là sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp. Mỗi địa phương phải có tiêu chí cánh đồng lớn và có quy hoạch sản xuất nhưng hiện cả nước chưa có tới 10 tỉnh làm được những việc này. Đất đai không quy hoạch, đồng ruộng chia lẻ, các hộ dân không liên kết nhau để hình thành cánh đồng lớn thì “ba nhà” còn lại không thể vào được để thực hiện liên kết. Như vậy, ngoài việc vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách có liên quan, chính quyền các địa phương phải vào cuộc để thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển mạnh mẽ tổ hợp tác, HTX để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong liên kết.
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu của sự phát triển, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị sản phẩm. Để sản xuất phù hợp, hiệu quả, cần tổ chức lại sản xuất trên nguyên tắc gắn chặt với thị trường, quy hoạch vùng sản xuất, cơ cấu lại sản phẩm theo hướng phát huy vai trò, thế mạnh của từng địa phương. Do vậy, muốn liên kết chặt chẽ, phải nâng cao trách nhiệm, vừa phát huy thế mạnh, vừa bảo đảm tốt lợi ích của các thành viên tham gia.