Đừng để dân kiệt sức

Đừng để dân kiệt sức
Việc “huy động sức dân” trong xây dựng NTM cũng cần phải nhìn nhận lại. Xây dựng NTM cũng như sự phát triển của cơ thể một con người, nó phải được hình thành trên cơ sở nuôi dưỡng tự nhiên, phát triển có lộ trình.

 

Báo NTNN số 300/2012 và Dân Việt có bài phản ánh việc ở xã Trực Nội, huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định) đã “khoan” đến… kiệt cả sức dân để xây dựng NTM: Xã thuần nông với 6.000 nhân khẩu mà huy động dân đóng góp đến cả 33 tỷ đồng.

Sự việc này, một lần nữa khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về bản chất của việc xây dựng NTM. Vẫn biết, khác với ở Thanh Hóa, việc đóng góp của người dân ở Trực Nội là tự nguyện, bởi ban đầu dân rất hào hứng khi được tham gia xây dựng NTM, nên chính quyền xã mới dễ dàng “khoan sức dân”, nhưng “khoan” như thế thì dân không thể chịu đựng được.

Mỗi người dân ở Trực Nội đã đóng góp tới 5 triệu đồng để xây dựng NTM và giờ không còn đủ sức để đóng tiếp.

Đừng nói ở nông thôn, lại là một xã thuần nông, mà ngay cả ở thành phố, việc huy động, mỗi hộ dân đóng 1 triệu đồng để làm cái này, cái kia đã khó. Thế nhưng, ở Trực Nội, trung bình mỗi hộ dân đã phải đóng góp tới 20 triệu đồng trong 2 năm, bảo sao dân không… kiệt sức.

Một bạn đọc sau khi đọc bài báo này trên NTNN đã gọi điện nhận xét: “Chỉ cần ngồi lập dự toán tổng thể cho 19 tiêu chí, xem xét khả năng đóng góp của dân và các nguồn huy động khác, là đủ thấy nó bất khả thi ngay từ đầu. Hơn nữa, nếu cố làm cho được vài xã đạt đủ 19 tiêu chí ấy, thì cũng chẳng có nguồn lực nào để nhân rộng ra hàng nghìn xã trên toàn quốc được”.

Như vậy, có thể thấy, việc “huy động sức dân” trong xây dựng NTM cũng cần phải nhìn nhận lại. Xây dựng NTM cũng như sự phát triển của cơ thể một con người, nó phải được hình thành trên cơ sở nuôi dưỡng tự nhiên, phát triển có lộ trình. Theo đó, thay vì cứ chăm chăm vào làm cho con đường này đẹp lên, trụ sở xã khang trang hơn, các xã nên tập trung vào đầu tư phát triển sản xuất.

Khi sản xuất phát triển, người dân có thu nhập tăng lên, tự khắc lúc đó họ sẽ có nhu cầu làm đẹp cho ngôi nhà, rồi đến đường làng, ngõ xóm, các công trình công cộng khác. Chỉ có thực hiện như thế, thành tích về xây dựng NTM của các xã mới mang tính bền vững, nếu cứ bắt dân đóng góp bằng được trong một thời gian ngắn để về đích, thì chẳng khác nào việc vận động viên dùng “doping” để về đích sớm hơn đối thủ, rồi sau đó bị tước huy chương, tiêu tan sự nghiệp.