Hiệu quả từ chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hiệu quả từ chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
(AGO) - Sau hai năm triển khai thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), toàn tỉnh đã có nhiều mô hình đạt được những kết quả tích cực, nâng cao chuỗi giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.

Một trong những mô hình được chú trọng nhất trong việc thực hiện chương trình NNƯDCNC là trồng lúa chất lượng cao, thực hiện theo mô hình “Cánh đồng lớn”. Mô hình này được thực hiện tại các huyện: Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn… đã mang lại những hiệu quả tích cực, hạn chế được nhiều chi phí sản xuất. Năng suất bình quân gần 8 tấn/héc- ta, lợi nhuận mang lại cho nông dân khoảng 20 triệu đồng/héc- ta/vụ. Là một trong những huyện tiêu biểu thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn”, huyện Thoại Sơn đang tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển mô hình “Cánh đồng lớn” ở 5 tiểu vùng sản xuất lúa chất lượng cao và lúa đặc sản trên địa bàn huyện. Triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp trong năm 2015, huyện Châu Phú cũng đã ký hợp đồng thực hiện mô hình “Cánh đồng lớn” trên 11.500 héc- ta.

26t4-1.jpg

Ươm giống các loại rau trong nhà màng.

Bên cạnh mô hình “Cánh đồng lớn”, mô hình sản xuất rau màu trong nhà lưới, nhà màng cũng đang được Ban điều hành phát triển NNƯDCNC chú trọng nhân rộng tại các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng thí điểm mô hình nhà lưới gần 7.300m2, tại: TP. Châu Đốc, An Phú, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Thành và diện tích nhà màng 14.000m2, trồng các loại rau màu: Bầu, cải, rau muống… Từ mô hình này, lợi nhuận mang lại cho nông dân trên 80 triệu đồng/héc- ta/vụ. Đặc biệt, đối với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, nhà lưới tại huyện An Phú, thị xã Tân Châu để cung cấp cho thị trường đã mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.

 Các mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu cũng được triển khai thực hiện rất hiệu quả. Riêng mô hình nấm ăn, toàn tỉnh đã thực hiện trên 100 mô hình thí điểm, năng suất đạt hơn 200 tấn/héc-ta/năm. Các mô hình chăn nuôi bò cao sản, nuôi tôm càng xanh toàn đực, nuôi lươn không bùn, mô hình trồng hoa lan, cây kiểng tại TP. Long Xuyên, Châu Thành, Châu Phú… cũng giúp nhiều hộ dân có đời sống sung túc hơn.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Ban điều hành phát triển NNƯDCNC đang tiếp tục tìm ra các kế hoạch triển khai thí điểm quy hoạch chi tiết vùng và sản phẩm NNƯDCNC của tỉnh năm 2015. Theo đó, dự thảo tổ chức thí điểm quy hoạch các vùng và sản phẩm NNƯDCNC của tỉnh, gồm: Vùng sản xuất lúa ƯDCNC của tỉnh đến năm 2020 và tấm nhìn đến năm 2030; vùng sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; vùng sản xuất chăn nuôi; sản xuất thủy sản; sản xuất rau màu; sản xuất hoa kiểng; sản xuất cây ăn trái; vùng quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu.

Tại cuộc họp triển khai thí điểm quy hoạch chi tiết vùng và sản phẩm NNƯDCNC của tỉnh năm 2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng yêu cầu các cấp, các ngành có liên quan cần tiếp tục nhân rộng các mô hình NNƯDCNC hiệu quả. Đồng thời, tìm ra các doanh nghiệp điển hình, có uy tín để ký kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức sản phẩm hàng hóa cho các tổ hợp tác để đáp ứng nhu cầu thị trường; các địa phương đẩy mạnh xúc tiến kết nối tìm đầu ra tốt nhất cho sản phẩm NNƯDCNC tại địa phương mình.
Theo: baoangiang.com.vn