Kết nối sản xuất và phân phối nông sản VietGAP

Kết nối sản xuất và phân phối nông sản VietGAP
Tại Hà Nội, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (dự án FAPQDC) với sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Canada tổ chức hội nghị kết nối sản xuất và phân phối tiêu thụ nông sản VietGAP nhãn xanh.

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet.

Hội nghị hướng tới việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) với thương hiệu VietGAP nhãn xanh đối với 4 ngành hàng: rau, trái cây, thịt lợn, thịt gà; đồng thời gắn chặt mối liên kết giữa các nhà sản xuất và phân phối thông qua kênh phân phối truyền thông và hiện đại để góp phần xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và hiệu quả. 

Các cơ sở sau khi được chứng nhận VietGAP sẽ được phép sử dụng lô-gô VietGAP nhãn xanh ghi trên bao bì đóng gói sản phẩm giúp người tiêu dùng lựa chọn và nhận biết các sản phẩm an toàn một cách dễ dàng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu, Dự án triển khai tại Việt Nam góp phần kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất; đồng thời phát triển được hệ thống nhận diện thương hiệu chuyên biệt cho từng ngành hàng nông sản, trong đó có bộ lô-gô VietGAP nhãn xanh và khẩu hiệu “Thực phẩm an toàn, yên tâm lựa chọn” đã được cấp giấy chứng nhận sở hữu.

Dự án có cách tiếp cận mới khi không chỉ tập trung vào các yếu tố kỹ thuật mà còn hỗ trợ tổ chức quản lý và tiêu thụ sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường, đảm bảo thu nhập cho người lao động và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Sau 4 năm triển khai, Dự án FAPQDC đã hình thành được 12 mô hình chuỗi sản xuất – phân phối ngành hàng rau, trái cây an toàn ở các tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Thanh Hóa, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Giang, và Tiền Giang; 11 mô hình lợn và gà an toàn ở các tỉnh Đồng Nai, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với khu vực phía Bắc, các mô hình rau ở Thanh Hóa đang cung ứng cho các trường học, bếp ăn, một số nhà hàng bán lẻ lớn của Công ty cổ phần Tân Thành Phát, Siêu thị Big C Thanh Hóa, CoopMart Thanh Hóa. Mô hình rau tại Hà Nội cung cấp cho các trường học, bếp ăn và một số Công ty phân phối sản phẩm nông sản sạch.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, cùng với việc các doanh nghiệp tích cực hơn nữa trong tiêu thụ, quảng bá những sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm có thương hiệu và được chứng nhận an toàn nhằm góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, thì người sản xuất, đặc biệt là nông dân cũng cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững./.

Hoàng Tùng

Theo baohaiquan.vn