“Làng trên núi cổng trời”: Từ khốn khó nay đã có của để, của ăn
- Thứ năm - 19/10/2017 09:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Một thời khốn khó…
Những cơn mưa liên tục đổ xuống làm lầy lội nhiều đoạn của con đường mới mở lên thôn Quế. Thôn nằm ở ngọn núi cao nhất Quảng Ngãi (1.450m so với mực nước biển) nên được ví gọi là “làng ở núi cổng trời”. 80 hộ dân/300 khẩu người Kor nơi đây sinh sống chủ yếu bằng việc trồng lúa trên rẫy để lấy gạo, nuôi ít con lợn, gà và thu hoạch các loại cây trái trong rừng. Chính vì sự bấp bênh, phụ thuộc tự nhiên như vậy nên cái đói nghèo, túng thiếu hiện hữu quanh năm...
Người dân thôn Quế, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng ngày nay đã có của ăn của để nhờ chăn nuôi, trồng chè. Ảnh: C.X
"Sắp đến sẽ bán thêm 3 con nữa để mua quần áo, bánh... để về ăn tết. Số tiền còn dư gia đình tôi lại để dành cho những lúc ốm đau… Mùa giáp hạt mà kho lúa vẫn còn đầy là rất ổn rồi”. Anh Hồ Văn Bẻo |
“Nhiều nhà, vợ hoặc chồng phải thay nhau xuống tận dưới trung tâm huyện, đồng bằng để làm thuê gửi tiền về mua gạo. Ăn hàng ngày còn chưa đủ thì nói gì đến ăn tết…” - già Hồ Văn Thùn (64 tuổi) nhớ lại.
Đã có của ăn, của để
Bà Hồ Thị Viên (40 tuổi) chia sẻ, đó là chuyện của ngày trước, chứ giờ nhờ huyện giúp xây nhà, kéo điện sáng về, làm đường đi và bày cho cách trồng cây lúa nước, nuôi con bò, con lợn mau lớn... nên cuộc sống không còn lo ăn từng ngày nữa.
Đưa tay chỉ vào đàn dê 8 con lớn nhỏ, anh Hồ Văn Bẻo (34 tuổi) khoe: “Vừa rồi, gia đình tôi bán 2 con dê lớn được gần 5 triệu đồng. Sắp đến sẽ bán thêm 3 con nữa để mua quần áo, bánh... để về ăn tết. Số tiền còn dư gia đình tôi lại để dành cho những lúc ốm đau… Mùa giáp hạt mà kho lúa vẫn còn đầy là rất ổn rồi”.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi tâm sự, không chỉ xa, cao mà thôn Quế còn nằm ở vị trí hiểm trở nhất, nhì so với các bản làng khác ở miền núi Quảng Ngãi. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh và huyện đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư cho nơi đây. Địa phương đang đầu tư cho thôn Quế làm mô hình nuôi trồng hiệu quả kinh tế cao, bảo tồn và phát triển các sản vật bản địa như lợn đi hoang, sâm bảy lá... để tăng thu nhập cho người dân.
“Nhờ xây dựng nông thôn mới mà hàng loạt công trình, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh được xây dựng. Gần nhất là vào gần cuối năm 2016 vừa qua, huyện đã đầu tư khoảng 20 tỷ đồng để mở rộng và bê tông hóa tuyến đường Di Lăng - Trà Trung nối với thôn Quế nhằm tạo thuận lợi đi lại, phát triển giao thương của người dân nơi đây…” - ông Nguyễn Xuân Bắc cho biết thêm.
Theo danviet.vn