Người trồng ớt khổ vì bị doanh nghiệp bỏ rơi
- Thứ bảy - 23/03/2013 09:41
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hợp đồng trồng ớt giữa anh Lư Văn Măng và ông Trần Phú Hiền
- Giám đốc Công ty TNHH thương mại hạt giống H&V
Vụ đông xuân năm 2013, anh Lư Văn Măng ngụ ấp Trung, xã Tân Thạnh (huyện Thanh Bình) đại diện cho 6 hộ dân ký hợp đồng với ông Trần Phú Hiền - Giám đốc Công ty TNHH thương mại hạt giống H&V (Tiền Giang) về việc trồng giống ớt 1129 dòng F1 xuất xứ từ Thái Lan do Công ty cung cấp và cam kết khi đến thu hoạch nếu thị trường không chấp nhận Công ty sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, khi đến ngày thu hoạch, các vựa ớt không thu mua loại ớt này với lý do ớt trái to, ít hạt, mềm trái, không xuất khẩu được.
Trước tình hình này, anh Măng cùng những hộ trồng ớt đến gặp Giám đốc Công ty thì Công ty “ậm ừ” sẽ cho xe lên thu mua theo giá thị trường. Tuy nhiên, sau đó, Công ty đã quay ngược lại, không chịu thu mua với lý do... “ớt không ăn hàng”. Anh Măng bức xúc nói: “Công ty hứa sẽ mua ớt như giá ớt Chánh Phong, nếu thị trường không chấp nhận, Công ty sẽ chịu trách nhiệm nhưng thực tế khi thu hoạch không vựa ớt nào chịu thu mua, Công ty cũng chẳng có giải pháp gì hỗ trợ nên chúng tôi rất khó khăn”.
Do ớt bán không được nên anh Măng đành phải phơi ớt khô để bán
Theo các hộ dân nơi đây, giống ớt 1129 này dễ trồng, năng suất cũng bằng với các giống ớt khác nhưng có nhược điểm trái to gấp 2,3 lần so với ớt Chánh Phong và ớt Hai Mũi Tên, thêm vào đó trái ớt ít hạt, mềm hơn so với ớt thường (trung bình 1 công ớt có khoảng 50% ớt trái bị mềm) nên khi bán người dân phải lựa ớt trái cứng, còn 50% ớt mềm phải đem phơi.
Tuy vậy, cũng chẳng có vựa ớt nào thu mua, nếu có vựa mua, giá chỉ bằng ½ giá ớt Chánh Phong, đồng thời phải lựa trái ớt cứng và chở đến tận vựa. Trong khi đó, các loại ớt khác chỉ cần gọi điện là được thương lái đến tận ruộng để thu mua.
Anh Nguyễn Văn Gỡ - người trồng 5 công ớt 1129, ở ấp Bắc, xã Tân Thạnh cho hay: Lúc ớt chín kêu vựa ớt nào cũng không chịu mua nên tôi phải chở 3 bao ớt lên tận Hồng Ngự để bán nhưng chỉ bán được 7 ngàn đồng/kg, số còn lại tôi phải phơi khô bán với giá 30.000 đồng/kg. Cả ớt tươi và ớt khô đều thấp hơn phân nửa giá thị trường lúc đó (khoảng mùng 10 tháng giêng âm lịch).
Anh nói thêm: “Đầu tư mỗi công ớt gần 20 triệu đồng nhưng bán với giá đó, chúng tôi đã bị lỗ trên 10 triệu đồng/công”.
Đến nay, 6 hộ trồng giống ớt này đã thu hoạch xong đợt 1, nhưng trước tình hình ớt không bán được, một số hộ cho rằng “càng neo sẽ càng chết lớn” nên đành xịt thuốc cỏ cho ớt chết để trồng cây khác. Số còn lại vẫn gắng gượng... Tuy người dân bị thiệt hại như vậy, nhưng vẫn chưa thấy Công ty có động tĩnh gì...
Nguồn: Báo Đồng Tháp online