Tàu thuyền đồng loạt ra khơi

Tàu thuyền đồng loạt ra khơi
Sau hơn 2 tuần nghỉ Tết Nguyên đán, hàng trăm tàu thuyền đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi lần lượt rời bến, bắt đầu cho một vụ mùa khai thác mới.

Sau lễ mở cửa biển - lễ hội ra quân nghề cá năm 2013 tại cửa biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ), đến nay, số tàu thuyền đánh bắt xa bờ của địa phương đã ra khơi trên một nửa. Đây là địa phương có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh, chiếm hơn 30% tổng công suất tàu thuyền của Quảng Ngãi.

Ông Nguyễn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết: “Xã hiện có 935 tàu thuyền, tổng công suất gần 15.500 CV. Trong đó, riêng số tàu có công suất từ 90 - 500 CV là 646 chiếc, tăng 70 tàu so với năm trước. Năm 2012 dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết thất thường, giá nhiên liệu dầu tăng..., nhưng sản lượng hải sản đánh bắt của xã vẫn đạt khoảng 102% kế hoạch (ước trên 37.200 tấn).

Tại Lý Sơn, sau khi lễ xuất hành đầu năm diễn ra vào sáng ngày 17/2, hàng chục tàu thuyền của ngư dân đảo Lý Sơn đã hướng ra Hoàng Sa. Còn tại cảng Tịnh Hòa (huyện Sơn Tịnh), vào sáng ngày 17/2, hàng chục chiếc tàu đang nối đuôi nhau rời bến ra khơi. Tương tự, tại cửa biển Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa), ước tính hơn 1/2 số tàu đánh bắt xa bờ của địa phương cũng đã xuất bến. Đầu năm thời tiết khá thuận lợi nên số tàu đánh bắt xa bờ đều tranh thủ ra khơi sớm hơn so với mọi năm.

Có mặt tại làng Chài cù lao Mỹ Tân (xã Bình Chánh), chúng tôi có dịp được dự Lễ hội cầu ngư và giỗ thần Nam Hải cùng bà con. Tại đây đã có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc, hấp dẫn như múa gươm, múa chèo, hát Bả trạo (một hình thức diễn xướng dân ca); đồng thời thực hiện các nghi lễ cúng cá Ông, còn gọi là thần Nam Hải.

Trong nghi lễ, chủ tế thực hiện các nghi lễ cúng cá Ông, đọc văn tế ca ngợi công đức cứu giúp dân chài thoát nạn trên biển… Sau nghi lễ cúng, đội gươm, chèo làng chài sẽ múa hát Bả trạo, trong đó các điệu múa và hát Bả trạo khắc họa phong tục tập quán của vạn chài, những hiểm nguy của ngư dân trước sóng dữ ngoài biển Đông và cũng là một hình thức tạ ơn thần Nam Hải cứu giúp khi ngư dân gặp nạn.

Theo truyền thuyết, cá Ông vốn hóa thân từ những mảnh áo cà sa của Phật Bà Quan Âm quăng xuống biển để cứu vớt sinh linh bị chìm đắm. Truyền thuyết về cá Ông còn được gắn với những ngày đầu lập quốc của vua Gia Long Nguyễn Ánh. Khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, thủy quân của Nguyễn Ánh tháo chạy ra biển và gặp phải sóng to gió lớn, trong lúc nguy khốn bỗng có một con cá Ông to lớn ghé đưa thuyền vào bờ. Sau này khi thắng quân Tây Sơn và lên ngôi vua, nhớ ơn cứu mạng, Nguyễn Ánh đã phong tặng cá Ông là Nam Hải Đại tướng quân và cho dân lập miếu thờ cúng, tín ngưỡng cá Ông ra đời từ đó.

Do đó, lễ hội cầu ngư, thờ cúng cá Ông chính là một hình thức văn hóa dân gian tiêu biểu của cộng đồng ngư dân ven biển, đặc biệt là ven biển Nam Trung Bộ, có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân các làng vạn chài.

Hải Vân

(kinhtenongthon.com.vn)