Thị trường chưa tiếp nhận sản phẩm GAP

Một trong những nguyên nhân khiến các sản phẩm GAP giá bán thấp, tiêu thụ có những lúc khó khăn, dẫn đến nông dân chán nản không muốn tiếp tục làm GAP… là do người tiêu dùng, thị trường chưa nhận biết được các sản phẩm này.
Thị trường chưa tiếp nhận sản phẩm GAP

 

Trao đổi với báo chí, TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) nhận định: “Đáng lẽ chúng ta phải đi từ thị trường trước, tức là nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu người tiêu dùng, xem họ cần tiêu thụ loại sản phẩm nào, tiêu chuẩn chất lượng ra sao thì mới đem tiêu chuẩn đó quay lại đặt hàng với người sản xuất. Đó mới là cách làm xuôi chiều. Nhưng Việt Nam cứ lao vào đăng ký chứng nhận tiêu chuẩn mà đôi khi không cần biết thị trường cần gì”.

Cũng vì không đi từ thị trường trước nên việc người tiêu dùng không nhận diện được sản phẩm GAP cũng là điều dễ hiểu bởi họ không có nhu cầu. Giá bán từ đó không thể cao hơn được.

Đơn cử như trái thanh long, nguyên cả tỉnh Bình Thuận và gần đây là Long An, Tiền Giang ào ạt đầu tư trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong khi loại trái này lại có thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc. Mà họ lại chưa có nhu cầu cần tiêu chuẩn GAP nên việc đầu tư cho chứng nhận này thời gian qua là lãng phí. Từ đó dẫn đến kết quả trái thanh long không tiêu thụ được dễ dàng hơn, thậm chí nhiều lúc còn phải hạ giá xuống còn có vài trăm đồng/kg như cho không, gây tâm lý bất mãn và thất vọng cho nông dân.

Bên cạnh đó, mặc dù VietGAP đã xây dựng tại Việt Nam được 3 năm nhưng cho đến nay sản phẩm này vẫn chưa có thương hiệu, logo riêng. “Người tiêu dùng có nhu cầu dùng rau sạch nhưng không thể phân biệt được sản phẩm VietGAP với sản phẩm thường thì hỏi làm sao giá bán cao hơn được?” - TS Nguyễn Minh Châu – Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam bức xúc.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, dù quy trình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP khó mấy nông dân cũng làm được nhưng nếu không có đầu ra, thị trường không nhận diện được, các sản phẩm không theo tiêu chuẩn GAP bị trà trộn vào thì người nông dân sẽ không theo lâu dài được.

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Châu, để mô hình VietGAP phát triển bền vững trong thời gian tới cần giải quyết đầu ra thông thoáng nhằm tăng sức tiêu thụ cho sản phẩm. Muốn vậy, trước hết phải có logo thống nhất chung của cả nước như cách làm của Thái Lan để người tiêu dùng nhận biết được đâu là sản phẩm VietGAP “chỉ cần tất cả các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op tại các tỉnh đều tham gia tiêu thụ, quảng bá sản phẩm GAP thì đã có thể giải quyết được một lượng lớn nông sản cho nông dân rồi” - ông Châu kiến nghị.