Tăng cường kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu chất cấm trong chăn nuôi

Liên quan đến thông tin mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép, ngày 26-10, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết: Đối với các loại kháng sinh, hiện nay có hai loại kháng sinh dùng cho người và dùng cho động vật.

Đối với kháng sinh dùng cho người, Bộ Y tế đã có các quy định về quản lý, sử dụng hết sức nghiêm ngặt, với loại kháng sinh dùng cho người được lưu hành ở Việt Nam, đều phải được phép của Bộ Y tế. Đối với các loại kháng sinh dành cho động vật, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, do vậy ngành nông nghiệp cần tập trung giám sát, kiểm tra tất cả những cơ sở chăn nuôi, nếu có phát hiện các sai phạm trong sử dụng những chất cấm này, phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhất là đối với các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trong việc sử dụng các chất kháng sinh bị cấm trong chăn nuôi.

Liên quan đến việc thông tin Bộ Y tế cho nhập Salbutamol, dẫn đến nguy cơ Salbutamol sẽ được sử dụng trong động vật, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm: Theo báo cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ Y tế cho phép nhập 3,5 tấn Salbutamol, chỉ những công ty có số đăng ký đối với các sản phẩm nêu trên mới được phép nhập vào Việt Nam. Cho nên, việc cho nhập số lượng bao nhiêu đều phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng thực tế trong điều trị. Riêng đối với Salmonella, trong những năm gần đây không có doanh nghiệp nào được phép nhập khẩu. Tuy nhiên, sự việc tồn dư Salmonella trong các sản phẩm động vật hiện nay là vẫn xảy ra. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân nhập lậu các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng trong cả nước…

Kết quả giám sát an toàn thực phẩm nông thủy sản trong chín tháng đầu năm do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện, cho thấy: Có tới 16% số mẫu thịt bị phát hiện chứa chất tạo nạc Salmonella; 10,3% mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng; 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng vượt ngưỡng cho phép.

theo http://nhandan.com.vn/