5 kinh nghiệm của xã Điền Công
- Thứ tư - 06/11/2013 01:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đồng chí Trần Phi Long, Chủ tịch UBND xã Điền Công phấn khởi khoe: Thành công nhất của Điền Công thời gian qua là huy động được sự tham gia của nhân dân trong phong trào xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống, nhất là hệ thống đường bê tông ngõ xóm. Tính đến nay nhân dân trên toàn xã đã đóng góp với tổng giá trị lên tới 28 tỷ đồng. Nhận thấy đời sống của người dân trên địa bàn còn rất khó khăn, thu nhập chưa cao nên xã không huy động nhân dân đóng góp bằng tiền mà chỉ vận động nhân dân hiến đất, tháo dỡ các công trình, đóng góp ngày công lao động. Vì vậy, tính từ năm 2011 đến nay toàn xã đã làm được 6,8km đường liên xã, 3,58/4,15km đường liên thôn, 1,82/2,1km đường ngõ xóm, 2,9/3,36km đường nội đồng, 13,24/13,6km kênh mương thuỷ lợi được kiên cố hoá, 100% trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 100% các thôn có nhà văn hoá đạt chuẩn...
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet) |
Vốn là xã vùng trũng, người dân sống khá tách biệt nên trình độ canh tác sản xuất còn rất lạc hậu, để có thể xoá bỏ được tư tưởng này, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân xã Điền Công đã thực hiện ngay việc quy hoạch vùng sản xuất, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập và thay đổi phương thức sản xuất cũ. Học tập kinh nghiệm của những xã đã thành công trong việc phát triển sản xuất, Điền Công nhận thấy không có cách nào nâng cao được thu nhập trên diện tích canh tác của xã bằng việc chuyển những vùng đất ruộng trũng sang nuôi cá vược, cá rô. Chủ trương này đúng với mong mỏi của người dân trên địa bàn nên đến nay trên toàn xã đã có 494ha đất ruộng trũng được chuyển sang để xây dựng thành 19 gia trại, 3 trang trại nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ cầm. Bên cạnh phát huy lợi thế của vùng đất chiêm trũng, Điền Công đã mời cơ quan chuyên môn của Trung ương về giúp khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước trên địa bàn xã để quyết định đưa giống cây trồng phù hợp, đồng thời tập trung động viên nhân dân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao và áp dụng KHKT vào sản xuất để tăng hiệu quả sử dụng, từng bước làm thay đổi hình thức sản xuất cũ. Với việc trồng thí điểm 3ha dưa thành công, trong năm 2011, năm 2012, xã Điền Công quyết định thực hiện mô hình trồng dưa (dưa hấu đỏ, dưa gang, dưa lê) trên 10ha bằng hình thức hỗ trợ 100% giống, trị giá 56 triệu đồng từ nguồn ngân sách xã cho nhân dân. Kết quả cho thấy năng suất, chất lượng rất tốt, cho thu nhập từ 100-120 triệu đồng/ha.
Sản xuất phát triển nên thu nhập bình quân đầu người của xã Điền Công đã tăng nhanh từ 12,4 triệu đồng/người năm 2010 tăng lên 20,4 triệu đồng/người trong năm 2012.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã Trần Phi Long cho biết: Từ thành công này Điền Công đã rút ra được 5 bài học kinh nghiệm quý. Đó là, đoàn kết tốt nội bộ, tạo sự đồng thuận của nhân dân, tranh thủ sự chỉ đạo ủng hộ của cấp trên, tạo lòng tin để doanh nghiệp chung tay giúp sức về nguồn lực đầu tư phát triển. Thực hiện tốt phương châm: “Nhận thức chung - tiếng nói chung - quyết tâm cùng nhau hành động”. Thứ hai, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức phải nắm vững và bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực mình phụ trách. Thứ ba, thực hiện công khai minh bạch các nguồn lực đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và các phong trào thi đua yêu nước. Thứ tư, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, biết khơi dậy tính tự chủ, tự giác của nhân dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng NTM; tích cực ứng dụng KHKT, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng cho năng suất cao vào sản xuất phù hợp với điều kiện tại địa phương”. Thứ năm, tập trung giải quyết tốt những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân ngay từ dưới thôn, xóm, tạo sự đồng thuận nhất trí cao từ cơ sở.
Lan Ngọc
Nguồn: boaquangninh.com.vn