Cơ chế đặc thù cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long

Ðể nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có thể phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, trở thành hộ giàu, bộ mặt nông thôn đổi mới, tránh tình trạng "được mùa, rớt giá" chúng tôi cho rằng:

 

Cùng với việc triển khai có hiệu quả một số cơ chế, chính sách mà Chính phủ đã ban hành như chính sách về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch; hay một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản... Riêng đối với khu vực sông nước ÐBSCL, nên chăng thay vì hỗ trợ cho nông dân vay với lãi suất thấp, Chính phủ hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm rủi ro cho các sản phẩm nông nghiệp. Có như vậy, rủi ro trong hoạt động đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn của các tổ chức tín dụng sẽ giảm thiểu, tạo điều kiện để các tổ chức này mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vốn vào nông nghiệp, nông thôn. Cách làm này vừa tạo điều kiện phát triển thị trường bảo hiểm vừa hỗ trợ thiết thực và đúng mục đích đối với nông dân.

Ngân hàng Nhà nước xem xét, bổ sung cơ chế ưu đãi cao hơn đối với các tổ chức tín dụng có tỷ trọng vốn đầu tư tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn vùng sông nước ÐBSCL. Từ việc mở rộng, nâng cấp các ngân hàng khu vực, đến đổi mới mạnh mẽ các định chế tài chính tại thị trường nông thôn, không ngừng cải thiện năng lực tài chính, năng lực hoạt động của các định chế này để xóa bỏ trung gian, giúp nông dân và các doanh nghiệp có quan hệ mua bán trực tiếp có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng các nguồn vốn tín dụng.

Các cơ quan chức năng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương hỗ trợ thiết lập các hệ thống thông tin dự báo về giá cả thị trường trong nước và quốc tế, giúp nông dân và doanh nghiệp có định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.

 

Nguyễn Văn (Bến Tre)
Nguồn nhandan.org.vn