Gần 60.000 nông dân được tiếp cận qui trình canh tác lúa bền vững
- Thứ năm - 22/03/2018 06:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đáng chú ý, bước đầu đã hình thành sự hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp tạo chuỗi liên kết sản xuất bền vững và bao tiêu lúa hàng hóa trên 23.000 ha…” – đây là thông tin từ hội nghị Tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSat), tổ chức ngày 22-3 tại Cần Thơ.
Dự án VnSAT, được tài trợ bởi Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA/WB) và Chính phủ Việt Nam ký ngày 9-7-2015, có hiệu lực 3-12-2015 với tổng số vốn 301 triệu USD. Trong đó, vay Ngân hàng thế giới là 238 triệu, vốn đối ứng là 28 triệu USD, vốn tư nhân là 35 triệu USD. Mục tiêu của dự án góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường thể chế ngành, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê, ở hai vùng sản xuất hành hóa chủ lực của Việt Nam (là ĐBSCL và Tây Nguyên). Mục tiêu của dự án đến năm 2020, khoảng 200.000 ha sản xuất lúa của 140.000 hộ nông dân áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha có thể tăng 30%, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 40 – 60 triệu USD/năm. Đối với cà phê, tập trung cho 69.000 ha của 63.000 hộ nông dân canh tác bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha có thể tăng thêm 15 triệu đồng/ha so với cà phê không áp dụng canh tác bền vững, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng 48-50 triệu USD/năm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: “Đây là dự án được triển khai sớm để tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ năm 2017, dự án đã bắt nhịp và bước đầu có hiệu quả một số lĩnh vực. Cụ thể, vụ đông xuân có thể tăng 1 triệu tấn nhờ tác động của dự án. Đáng ghi nhận là nông dân trồng lúa đã sản xuất căn cơ hơn, giá thành sản xuất lúa giảm, giống và chất lượng lúa gạo tăng rất nhanh. Thời gian tới nguồn vốn đáp ứng đủ, các các địa phương cần rà soát, kịp thời kiến nghị những khó khăn để thúc đẩy nhanh hiệu quả của dự án…”.