Tăng cường nguồn lực xây dựng nông thôn mới
- Thứ ba - 26/02/2013 20:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC
Thống kê của Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh, tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn đóng góp của tổ chức, cá nhân thuộc các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2012 khoảng 2.266 tỉ đồng.
Từ nguồn vốn trên, tỉnh đã đầu tư 95 tỉ đồng triển khai 16 dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư, nhà lưu niệm, sân thể thao…, gần 60 tỉ đồng xây dựng 77 tuyến đường giao thông, kênh mương nội đồng. Bên cạnh đó, đầu tư hơn 39 tỉ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng các làng nghề chế biến nước mắm, cá cơm ở TX Sông Cầu; đan đát, trồng dâu nuôi tằm ở huyện Tây Hòa và khu trưng bày sản phẩm và khu nuôi trồng thủy sản ở huyện Tuy An và TP Tuy Hòa. Trên lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh đã đầu tư 56,6 tỉ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, triển khai 5 mô hình giảm nghèo bền vững về chăn nuôi bò sinh sản và trồng cao su tại 7 xã nghèo ở các huyện Sơn Hòa, Tuy An, Đồng Xuân và Sông Hinh; cùng với đó là các dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung (ADB, AFD), dự án lâm nghiệp để cải thiện đời sống người dân các huyện miền núi tỉnh Phú Yên (ADB, TFF), dự án khôi phục và quản lý rừng bền vững (KFW6), hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp…
Ngoài nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án của Nhà nước, các địa phương trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, phát huy nội lực cộng đồng, nên thời gian qua phong trào nhân dân hiến đất và tài sản trên đất có giá trị lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được phát triển rộng khắp từ đồng bằng đến miền núi. Đến nay, đã có hơn 348 tỉ đồng vốn các tổ chức, cá nhân đóng góp bằng tiền mặt, vật liệu, công lao động, đất đai để XDNTM.
Cầu Nguyên Cam trên tuyến đường liên thôn thuộc xã Sơn Nguyên (Sơn Hòa) dài 12m, rộng 3,5m là một điển hình của phong trào “Chung sức, chung lòng XDNTM. Đây là cây cầu đầu tiên sử dụng nguồn vốn Chương trình XDNTM trong việc đầu tư xây dựng với kinh phí 1,3 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn XDNTM 700 triệu đồng, huy động sức dân đóng góp 125 triệu đồng (chiếm gần 10% vốn đầu tư công trình), còn lại vốn đối ứng của địa phương. Ông Lê Thanh Lai, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: “Việc đưa cầu Nguyên Cam vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ở xã miền núi Sơn Nguyên trong vận chuyển nông sản, nhất là vào mùa mưa lũ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Do ý nghĩa thiết thực đó, nên được người dân địa phương ủng hộ, tích cực đóng góp công sức xây dựng”.
Còn tại huyện Tây Hòa, qua 2 năm thực hiện chương trình, từ các nguồn vốn lồng ghép đầu tư, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 32 công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, với vốn đầu tư hơn 21 tỉ đồng, trong đó huy động đóng góp người dân và doanh nghiệp tại địa phương hơn 6,6 tỉ đồng. Riêng xã điểm Hòa Phong huy động trên 2,5 tỉ đồng. Ông Trần Trọng Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa cho biết: Thời gian qua, huyện đã phát huy sự đóng góp của cộng đồng, đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ của Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các tiêu chí XDNTM. Huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và người dân đóng góp nhiều hơn nữa để XDNTM.
QUYẾT TÂM CHÍNH TRỊ
Theo Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh, đến nay 91/91 xã hoàn thành phê duyệt quy hoạch nông thôn mới cấp xã, 100% số xã đã hoàn thành phê duyệt đề án XDNTM. Việc hoàn thành quy hoạch và đề án XDNTM có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở cho việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có một số xã chưa hình dung đầy đủ nội dung công tác quy hoạch XDNTM. Để khắc phục tình trạng trên, giải pháp Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh đưa ra là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền ưu tiên chỉ đạo điểm kết hợp với đẩy mạnh triển khai trên diện rộng nhằm đảm bảo tăng số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo XDNTM tỉnh Lê Văn Trúc cho biết: “Thời gian đến, tỉnh sẽ tập trung nguồn vốn để các xã điểm triển khai các công trình, dự án đã được xác định ưu tiên đầu tư trong đề án. Những tiêu chí cần ít vốn, dân tự tổ chức làm được thì tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện, hoàn thành sớm. Đặc biệt, từ năm 2013, tỉnh hỗ trợ 100% tiền mua xi măng và chi phí vận chuyển xi măng cho các xã thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn và cống qua đường nông thôn; hỗ trợ chi phí quản lý 2 triệu đồng/km đường bê tông; còn lại xã và nhân dân chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, thi công và các chi phí khác. Nói chung, để hoàn thành mục tiêu của Chương trình XDNTM phải có sự quyết tâm phấn đấu rất cao của các cấp, các ngành, sự chung sức chung lòng của toàn dân”.
Nguyễn Minh Tiến
Nguồn: nongthonmoi.gov.vn