Vĩnh Phúc: Diện mạo mới cho nông thôn xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên
- Thứ ba - 23/08/2016 10:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
100% các tuyến đường liên thôn, liên xã ở Tam Hợp được bê tông hóa và trải nhựa phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã Tam Hợp chỉ mới đạt 6/19 tiêu chí, gồm: tiêu chí điện, bưu điện, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị và an ninh trật tự. Các tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông nông thôn, giao thông nội đồng chưa được cứng hóa, chưa xây dựng trường mầm non trung tâm của xã, trung tâm văn hóa của xã và 6 nhà văn hóa thôn chưa có…
Tuy nhiên, với việc phát huy nội lực, huy động sức dân, đến năm 2013, xã đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả này thể hiện nỗ lực của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã với hai yếu tố: chỉ đạo quyết liệt, vận dụng linh hoạt, sáng tạo và chung sức đồng lòng vì mục tiêu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn xã Tam Hợp đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể, nhà cửa, các khu dân cư được chỉnh trang. Các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh được xây dựng và củng cố; an ninh trật tự được bảo đảm. 100% trục đường giao thông liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa; các công trình trường học, trạm y tế đều đạt chuẩn; nhà văn hóa được xây mới; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 2,07%; thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt trên 28 triệu đồng/người/năm; trên 80% người dân tham gia bảo hiểm y tế, 85% các hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, không có các hoạt động làm ô nhiễm môi trường. Đường làng, ngõ xóm, cảnh quan xanh, sạch, đẹp…
Trạm y tế xã Tam Hợp được xây dựng và trang bị các thiết bị y tế hiện đại, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.
Theo lãnh đạo xã Tam Hợp cho biết: Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, đạt chuẩn nông thôn mới không có nghĩa là đã xây dựng xong nông thôn mới mà quan trọng hơn là làm thế nào để tiếp tục duy trì và nâng cao được chất lượng các tiêu chí, nhất là các tiêu chí “động” như: An ninh trật tự, môi trường, thu nhập… Có thể kể đến như tiêu chí môi trường, nếu hôm nay, mọi người, mọi nhà đều ý thức tự giác vứt rác đúng nơi quy định, quét dọn cổng nhà, cổng ngõ, đường làng sạch sẽ... thì môi trường địa phương luôn xanh - sạch - đẹp. Tuy nhiên, đến ngày mai, chỉ cần một người, một gia đình không ý thức, xả rác bừa bãi thì tiêu chí “môi trường” lại không đạt. Tương tự đối với các tiêu chí khác, nếu không được sử dụng đúng mục đích, khai thác được công năng, không được bảo vệ thì tiêu chí đó sẽ không đạt, chương trình nông thôn mới sẽ không phát huy hiệu quả.
Vì vậy, ngay sau khi được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các hạng mục, công trình và khắc phục một số hạn chế, Đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trong đó, xác định cần phải nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền với cơ sở; thực hiện phong trào toàn dân chung sức, giữ vững và nâng cao chất lượng nông thôn mới. Tiếp tục xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân như kiên cố đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, cải tạo xây dựng thêm phòng học của cac trường học, cải tạo nhà văn hóa thôn, duy trì hoạt động thu gom rác thải, đánh giá hiệu quả hoạt động của lò đốt rác của xã: xây dựng chợ nông thôn của xã giai đoạn 2. Đồng thời, duy trì mô hình các tổ liên gia tự quản, công tác quản lý hành chính, kiểm tra nhân khẩu, hộ khẩu để kịp thời phát hiện, xử lý các vụ vi phạm, tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo: Trang Lê/baoxaydung.com.vn