XDNTM ở Bắc Kạn: Cần có quy hoạch tổng thể

XDNTM ở Bắc Kạn: Cần có quy hoạch tổng thể
Sau 2 năm thực hiện chương trình XDNTM, bộ mặt nông thôn Bắc Kạn đã có những đổi thay rõ rệt. Tuy nhiên, do một số địa phương chưa hoàn thành đồ án quy hoạch nên công tác triển khai gặp nhiều lúng túng.
Công tác lập đồ án quy hoạch XDNTM được xem là khâu vô cùng quan trọng, bởi đồ án sẽ xây dựng mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn, làm sao để sử dụng quỹ đất một cách hài hòa, hiệu quả, trong đó bao gồm cả quy hoạch sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ cho tới hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường cũng như quy hoạch khu dân cư theo hướng văn minh, giàu đẹp… Tuy nhiên, đến nay, Bắc Kạn mới có 75/112 xã được phê duyệt đồ án quy hoạch. 

Hiện, Bắc Kạn đang tập trung thực hiện tiêu chí thứ 2 là giao thông nông thôn. Đây cũng là tiêu chí mà người dân phải đóng góp nhiều nhất, lên tới 50% tổng mức đầu tư. Thực tế thấy, quá trình triển khai tại các xã điểm NTM như Xuất Hóa (thị xã Bắc Kạn), Cẩm Giàng (Bạch Thông), Nông Hạ (Chợ Mới)… đã vấp phải nhiều vướng mắc về cơ chế. 

Ông Quách Đăng Quý, Chi cục trưởng Chi cục PTNT, Phó văn phòng điều phối Chương trình XDNTM Bắc Kạn cho biết: “Đặc thù nông thôn của Bắc Kạn là diện tích rộng, nhiều đồi núi, dân cư thưa thớt nên các tuyến đường đều dài, gập ghềnh khúc khuỷu, khó thi công, trong khi đó, Nhà nước chỉ hỗ trợ xi-măng và cống ngang nên suất đóng góp của bà con khá lớn. Chính vì thế, việc triển khai thi công các công trình trên địa bàn gặp nhiều khó khăn”. 

Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng trong quá trình thực hiện, trên địa bàn vẫn xuất hiện nhiều điểm sáng, đơn cử như thôn Phiêng An (xã Quang Thuận) và xã Mỹ Thanh (huyện Bạch Thông). Khi triển khai làm đường, những địa phương này đã huy động sự đóng góp tối đa công sức, nguyên vật liệu của nhân dân, kết quả là những con đường  theo tiêu chí NTM đã hoàn thành. Cũng phải nói thêm rằng, những tuyến đường này ngắn, dân cư sống tập trung, tận dụng được nguồn cát sỏi ở sông Cầu nên việc triển khai cũng thuận lợi hơn so với các địa phương khác.

Thiết nghĩ, để công tác XDNTM trên địa bàn triển khai thuận lợi, đòi hỏi phải có một cơ chế linh động đối với từng công trình cụ thể; các cấp,  ngành cần chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xây dựng tốt mô hình điểm để kịp thời rút kinh nghiệm từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo đến khâu tổ chức thực hiện. Làm được điều đó, chương trình XDNTM sẽ thực sự mang lại kết quả cao, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.     
Xuân Lâm


Nguồn:kinhtenongthon.com.vn