Mưa lớn, hơn 1.500 hộ dân Hà Tĩnh cơ cực vì ngập lụt
- Thứ tư - 11/10/2017 03:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Toàn tỉnh đã có 16 xã bị ngập các trục đường liên thôn, liên xã với độ sâu từ 1,2 - l,5m, gồm: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Hương Thủy, Hương Giang, Gia Phố, Phương Điền, Phương Mỹ (huyện Hương Khê); các xã: Đức Giang, Đức Bồng (huyện Vũ Quang); thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc); xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà); các xã Đức An, Đức Lập, Đức Dũng (huyện Đức Thọ). Có 1.519 hộ bị ngập từ 0,3 - 0,5m, trong đó huyện Hương Sơn có 90 hộ (các xã Sơn Tiến, Sơn Giang); huyện Can Lộc có 906 hộ (các xã Trung Lộc, Khánh Lộc, Vĩnh Lộc Sơn Lộc, Gia Hanh); huyện Nghi Xuân 180 hộ (các xa Xuân Giang 2, Xuân Viên); huyện Đức Thọ có 343 hộ (các xã Đức An, Đức Lập, Đức Dũng).
Nhiều tuyến đường giao thông bị ngập sâu và bị chia cắt, trong đó có Quốc Lộ 8A đoạn qua khu vực Cổng B bị ngập sâu gây ách tắc giao thông. Đặc biệt một số xã ở các huyện miền núi Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê đã xẩy ra tình trạng sạt lở đất. Ở huyện Hương Sơn, Đức Thọ một số nhà dân đã bị đổ sập do sạt lở đất. Các địa phương này đã phải di dời khẩn cấp hàng trăm hộ dân. Đập cố Châu, ở thôn Tân Bình, xã Gia Hanh (huyện Can Lộc) bị vỡ 2 điểm với chiều dài gần 30m. Lượng nước do đập vỡ kết hợp với mưa to đã làm cho gần 500 hộ dân ở các xã: Gia Hanh, Khánh Lộc, Trung Lộc bị ngập cục bộ; cầu Cá Gáy bị sạt lở phần mố.
Nhiều tuyến đường bị chia cắt |
Mưa to trên diện rộng cộng với nước từ thượng nguồn đổ về đã làm cho mực nước trên các triền sông như Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Sông La lên nhanh, nguy cơ sạt lở đất ở miền núi và ngập lụt ở vùng trũng rất cao. Để đảm bảo an toàn, một số hồ chứa như: Sông Rác, Thuỷ điện Hố Hô đã phải xã lũ.
Để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, các địa phương đã quán triệt nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, sớm triển khai các biện pháp ứng phó theo tinh thần “bốn tại chỗ”. Đặc biệt, công tác thông tin được thực hiện sớm và thường xuyên. Số hộ dân sinh sống ở vùng nguy hiểm được tiến hành di dời. Các công trình hồ đập mất an toàn đã được túc trực và chuẩn bị ứng phó khi xẩy ra sự cố. Các tuyến đường bị ngập đã cảnh báo mất an toàn. Các cơ quan, đơn vị, trường học, người dân đã chủ động di dời tài sản, trang thiết bị, vật nuôi lên nơi cao ráo, an toàn và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai./.
Sinh Hương
http://www.hatinhtv.vn