12:09 EST Thứ năm, 12/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhiều người quan tâm » Văn hóa NTM


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Làng quê đang méo mó: [Bài I] Những căn nhà kiểu container

Thứ hai - 11/11/2019 22:57
Nếu nhìn qua ô cửa sổ máy bay, nông thôn các nước hiện ra thanh bình với kiểu nhà, kiểu vườn, kiến trúc, cảnh quan rất đặc trưng nhưng với nhiều vùng nông thôn Việt Nam giờ đây bản sắc đã là một điều xa xỉ… Kiến trúc làng quê đang bị biến dạng, méo mó.

Nóng vênh cả gạch lát sân nhưng ông Ngọ vẫn leo lên tầng thượng nhà người con trai căng mớ nylon rách che cái mái bê tông chưa có tôn lợp rồi vòng xuống chằng tấm bạt chắn cho mấy cái khung cửa chưa kịp lắp cánh dù nhà đã ở hơn 1 năm nay…  

Căn nhà không cánh cửa

Năm 1977 ông Vũ Thọ Ngọ ở làng Kiều (xã Hiên Vân, Tiên Du, Bắc Giang) lấy vợ nhưng mãi đến năm 1992 khi đã có mấy mặt con mới mua nổi căn nhà ngói 3 gian. Hai con trai cùng với ông ngủ chung một giường còn cô con gái với vợ ông ngủ chung một giường bởi cả nhà chỉ có đúng hai cái giường. Với ông bà căn nhà mái ngói đó là mơ ước cả đời nhưng với người con trai của họ, khi đã lớn thì không.

Căn nhà cũ của ông Ngọ bên căn nhà mới chưa có cửa sổ của người con trai.

Lấy vợ sống chung được vài năm với bố mẹ anh này thổ lộ có chừng 200 triệu muốn xây nhà ra ở riêng, ông bà liền vui vẻ cắt cho một phần đất. Khuyên con xây nửa diện tích thôi để sau này nhỡ đẻ thêm 1 thằng cháu trai nữa thì có hai mảnh đất mà chia nhưng anh ta khăng khăng không chịu, bảo muốn xây tất, ngang 8m, sâu 12m và phải hai tầng. Ông nghe mà muốn hoa mày, chóng mặt.

Cuối năm đó, khi thấy giá gạch đang 1.400đ/viên bỗng dưng xuống 1.000đ/viên con trai ông liền mua luôn 3 vạn để trữ sẵn. Mấy tháng sau, giá gạch xuống đến 800đ/viên tiếc đứt ruột nhưng anh vẫn cho người đào móng cất nhà. Tầng 1 có 1 buồng, 1 phòng khách, 1 phòng bếp, tầng trên có tới 4 buồng ngủ. Riêng tiền công đã hết 270 triệu cộng cả tiền vật liệu vào tổng cỡ trên dưới 800 triệu mà vẫn chưa có mái chống nóng, chưa có lan can cầu thang, chưa có cửa sổ, cửa ra vào chứ chưa nói đến nội thất.

Cố gắng mãi anh mới lắp được cái cửa bằng tôn che căn buồng để lấy chỗ chui ra, chui vào cho vợ con rồi cứ để không đấy cả năm nay. Thấy mỗi đợt con trai bị chủ nợ đòi, chạy tiền long cả tóc gáy, thương quá nên ông mới đặt cho hai bộ cửa nhôm kính để che đi phần hông nhà thông thống lúc nào cũng như hai cái hốc mắt vô hồn nhìn xuống nhà mình. Ông bà trả nợ bộ cửa trị giá 8,6 triệu ấy làm 3 lần, lần cuối cách lần đầu cả năm trời bởi tiền nong eo hẹp.

Căn nhà của con trai ông Ngọ tuy đã vào ở 1 năm mà vẫn chưa được hoàn thiện.

Họ cấy 3 sào ruộng, nuôi 20 con gà, sáng bà bán bánh mì, chiều lại bán đa nem được mỗi ngày hơn 100.000đ còn ông chỉ riêng việc đưa đón lũ cháu đi học đã chẳng thể dứt ra nổi để làm việc gì cho nên đầu nên đũa. Cái lò nấu rượu, cái chuồng lợn đã ở dưới móng nhà người con trai rồi vườn trám mỗi gốc to cỡ 2 người ôm hằng vụ thu cả tấn quả cũng chết hết vì mực nước ngầm tụt sâu khiến cho họ chẳng còn nguồn nào để mà bòn thêm đồng ra, đồng vào.

Ông Ngọ tâm sự bản thân mình vẫn thích ở nhà kiểu cổ vừa mát, vừa tiện lợi cho việc đi lại nhưng con trai quyết thế đành phải chịu. Tôi hỏi ông rằng căn nhà mới xây đó có nét gì truyền thống, ngẫm nghĩ một hồi ông bảo: “Có mỗi cái chân quỳ ở dưới cửa sổ”.

Làng không còn một con trâu nào và nhà ngói cũng chỉ sót cỡ 10 cái. Sau khi đốn sạch những hàng cây, rặng tre ven xóm, ven đường, hơn chục năm trước người ta còn định hạ nốt hơn 10 cây lim cổ tuổi đời vài trăm năm đem bán để xây công trình, may mà dân làng phản đối quyết liệt nên vẫn còn giữ lại được...  

Những khối hộp liền kề nhau

Dọc theo quốc lộ, huyện lộ, xã lộ ở Bắc Ninh đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà mới xây san sát bám hai bên đường. Nhà ống ngày càng xuất hiện nhiều ngay cả trong vùng lõi của làng chúng cũng dày đặc, bức bối.

Gia đình ông Phạm Đăng Giao là người đầu tiên của làng Kiều xây nhà ống và hiện đang sở hữu tới 3 cái sát nhau, cái thứ nhất xây năm 2000, cái thứ hai xây năm 2003, cái thứ ba xây 2008.

Ba căn nhà ống sát nhau của gia đình ông Giao.
Một căn nhà kiểu truyền thống còn sót lại ở làng Kiều.

Ông bảo tổng diện tích đất của mình chỉ hơn 500m2 nhưng lại có tới 3 người con trai nên phải chia lô như thế. Căn đầu tiên, bán mấy lứa lợn ông dồn được hơn 50 triệu, vời anh thợ cả trong làng đến bảo: “Tao có ngần này tiền, mày đi nhiều, làm quen thấy kiểu nào đẹp thì mách với”. Anh thợ lấy cái que vạch nguệch ngoạc xuống đất mấy đường, ông Giao gật gật đầu. Vậy là cái nhà ngói 3 gian 1 chái cũ được phá bỏ để khởi công căn nhà 2 tầng cho đại gia đình 7 người, 3 thế hệ ở.

Nó có mặt tiền ngoảnh ra đường, theo hướng tây chứ không phải hướng nam như thông lệ nên bị người chú phản đối quyết liệt. Ông Giao vẫn kiên quyết bảo lưu ý kiến của mình thành ra suốt quá trình xây dựng từ khi đào móng đến lúc khánh thành chú hầu như chẳng thèm ngó ngàng gì. Giận nhau đến mấy năm mới thôi.

Xây căn nhà thứ hai, do đã có chút kinh nghiệm, ông Giao rủ em vợ là thợ chụp ảnh cùng người thợ cả phóng xe xuống thị trấn Từ Sơn thấy nhà nào đẹp thì dừng lại chụp ảnh, xin phép vào thăm để học theo. Nếu căn đầu tiên ông còn phải thiếu 1/3 tiền thì hai căn sau đã không phải nợ một xu nhờ 2 người con đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc gửi tiền về.

Tiện thể ông cũng sửa sang luôn cả căn nhà cũ, nâng lên thành 3 tầng, nối thêm cái toa lét kề bên hông cho tiện lợi khi trời mưa, nắng: “Giờ mà có cỡ 6-7 tỉ thì tôi sẽ mua đất rộng, làm kiểu nhà biệt thự với sân vườn chứ chẳng tội gì phải làm 3 cái nhà ống thế này nhưng ít tiền thành ra mới phải thế”. Ông Giao giải thích.  

Nỗi trăn trở của ông họa sĩ

Tôi tha thẩn dạo bước trên con đường làng ra tới hồ nước đẹp như một tấm gương soi, nơi cũng đang bị bủa vây bởi trùng trùng, điệp điệp những căn nhà ống trông như những cái thùng xe container xếp san sát.

Anh Trần Trọng Nam đang mải mê chỉ đạo cánh thợ xúc cát sỏi để xây căn nhà mới có mặt tiền rộng 5m, dài 16,5m, ba bề (hai bên và hậu) không có cửa sổ vì tường của hàng xóm sẽ xây kề sát vào. Bởi thế mà tiếng là mặt hồ nhưng căn nhà hai tầng cứ âm u, bí bức khó tả. Ước tính khi hoàn thiện nó ngốn của chủ nhân khoảng 800-900 triệu trong đó phân nửa là đi vay.

Anh giải thích: “Khổ đất hẹp này nếu làm nhà mái ngói nước mưa sẽ chảy sang nhà khác nên buộc phải làm mái bằng, chồng tầng lên để có được 2 phòng ngủ, 1 phòng khách chung với 1 phòng bếp”...

Căn nhà đang xây của anh Nam.

Họa sĩ Trần Thành người Hà Nội về làng Kiều mua đất, dựng nhà cũng bởi yêu mến miền quê đẹp như tranh này từ hồi vẫn còn là cậu sinh viên trường Mỹ thuật Việt Nam mê vẽ, được các thầy dẫn về ăn ở trong dân hàng tháng để học. “Đường làng hồi ấy bằng đất trời mưa rất lầy lội, trời nắng ít khi ánh sáng chiếu xuống được bởi cây cối ken kín hai bên. Nhà người dân chủ yếu là mái ngói, tường gạch với nhiều thế hệ cùng sinh sống. Tường bao bên ngoài các nhà trình bằng đất, bên trong để không nên có thể đi liên thông từ gia đình này sang gia đình kia rất dễ dàng.

Với người nông dân Bắc Bộ, xây nhà là mục tiêu quan trọng nhất trong đời. Xưa làng hầu như chỉ có mỗi một kiểu nhà con sơn, mái rủ, quá giang, gác tường rồi tiếp đến là nhà kiểu chữ L, chữ U nay là nhà thụt thò, nhà ống.

Giờ đây, người dân ham làm giàu, đi buôn đi bán hoặc ra các khu công nghiệp làm công nhân. Trong quá trình ra thành phố, thị xã ấy, họ nhìn thấy các căn nhà ống, nhà mái bằng, ước ao cũng có thể xây một cái như thế ở quê.

Khi có kinh tế, một cách rất tự nhiên họ thực hiện ngay để cảm thấy đã san bằng được khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Vả lại nông dân bây giờ cũng bận rộn hơn không đủ thời gian để dặm mái, chống mối, chăm sóc cho những ngôi nhà cũ nên phá đi, chia đất cho con cái để làm nên những ngôi nhà mới mà phần lớn là nhà ống”.

Muốn lưu giữ chút gì đó cho mai sau, ông Thành đã mua 1.400m2 đất để xây lên một dãy nhà có mái, phần làm phòng sáng tác, phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của mình và bạn bè, phần để ở. Diện tích công trình chỉ chiếm chừng 40% đất, còn lại là vườn cây, tiểu cảnh, ao điều hòa. Đây cũng là căn nhà duy nhất trong thôn có tường bao trình bằng đất.

Vài người làng tò mò, gõ cửa vào thăm nhà ông sau đó ra về nhỏ to với nhau: “Chỉ có người thành phố giàu có mới làm nổi những căn nhà quê như thế bởi riêng tiền đất không đã trị giá đến 5-7 tỉ rồi”. 

Một góc nhà ông Thành họa sĩ.
Những căn nhà xây ven hồ.

Mời đọc bài II: Những làng quê như bị… hun chuột

Theo DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG/nongnghiep.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 125

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 124


Hôm nayHôm nay : 37889

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 504034

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72186743