Trái cây giảm giá, NSX, kinh doanh nông sản Việt cần học “luật chơi”
Chủ nhật - 08/09/2019 14:44
Sự phụ thuộc vào một thị trường, canh tác manh mún, thiếu liên kết, không tuân thủ quy hoạch và quy định sản xuất an toàn là bài học đắt giá cho nhiều loại nông sản Việt. Song bao năm nay, điệp khúc ấy vẫn diễn ra.
Đã đến lúc người sản xuất nông sản Việt cần vừa chú trọng mở rộng thị trường, vừa học “luật chơi” của từng thị trường.
Trái cây giảm giá
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong tháng 8, tại Tiền Giang, 3 loại trái cây bị rớt giá nhiều nhất là dưa hấu, dừa xiêm và thanh long.
Thời điểm này, giá dưa hấu chỉ hơn 6.000 đồng/kg, giảm 50% so với tháng trước; dừa xiêm từ 90.000 đồng/chục, giảm còn 40.000 đồng/chục; thanh long ruột trắng 6.000 - 7.000 đồng/kg, giảm 50%. Với mức giá này, nhà vườn không có lãi, thậm chí thua lỗ.
“Nguyên nhân giảm giá chính vẫn là nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc không ổn định, nước này lại kiểm soát chặt chẽ vận chuyển qua lại cửa khẩu làm cho đầu ra của trái cây đi đường tiểu ngạch bấp bênh”, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định.
Trao đổi về câu chuyện xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc, ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, từ tháng 5/2018, phía Trung Quốc bắt đầu phát đi thông tin về việc siết chặt quy định, yêu cầu với trái cây Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc.
Theo đó, Trung Quốc yêu cầu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói. Hiện các loại quả xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đa phần đều không bị ảnh hưởng. Song, nhiều loại trái cây chưa xuất khẩu được chính ngạch thì gặp khó khăn.
“Đừng nghĩ cấp xong là xong”
“Thời gian tới, khả năng cao Trung Quốc sẽ dần nâng yêu cầu kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, thậm chí sang kiểm tra thực tế. Nếu làm không đúng như yêu cầu, tiêu chuẩn thì phía Trung Quốc sẽ dừng lại các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đạt. Điều này, Cục Bảo vệ thực vật đã cảnh báo tất cả các tỉnh, đừng nghĩ cấp xong là xong”, ông Dương nhận định.
Trong khi đó, quá trình sản xuất, đặc biệt là bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông sản nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng của Việt Nam còn nhiều bất cập. Hệ thống sản xuất vẫn tương đối manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra.
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm không nên hiểu thuật ngữ “rào cản kỹ thuật” với nghĩa tiêu cực, vì thực tế đây chính là những tiêu chuẩn kỹ thuật, những “luật chơi” rất công bằng mà các doanh nghiệp Việt Nam hay bất kỳ ở quốc gia nào muốn gia nhập “sân chơi” chung cần phải đáp ứng.
Theo ông Lê Kỳ Anh, chuyên gia Phái đoàn Liên minh châu Âu, trong lĩnh vực nông sản, những tiêu chuẩn kỹ thuật thực ra lại là những cơ hội cho Việt Nam. Trong chương các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn thực vật và kiểm dịch động vật (SPS) có nội dung coi EU là thực thể đơn nhất, các yêu cầu về nhập khẩu hàng vào một nước từ một sản phẩm tương tự sẽ không được áp dụng khác đi.
“Như khi Việt Nam cho phép một trái táo Pháp nhập khẩu vào thì trong tương lai một trái táo tương tự từ Ba Lan không phải lặp lại yêu cầu kỹ thuật, do đã được chứng minh tại mặt hàng xuất khẩu đầu tiên. Quy định này đã được áp dụng ở Việt Nam và trong tương lai sẽ được áp dụng cho hàng hoá Việt vào châu Âu”, ông Kỳ Anh nêu ví dụ.
Các biện pháp hạn chế được áp dụng khi bệnh dịch xảy ra cũng sẽ có sự thay đổi đáng kể. Hiện cứ xảy ra bệnh dịch, lệnh cấm sẽ được áp dụng với toàn quốc gia, gây ảnh hưởng rất lớn đến mặt hàng xuất khẩu hai phía. Tuy nhiên, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, biện pháp này chỉ được áp dụng với vùng bị dịch.
Thị trường EU rộng mở
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang châu Âu còn khiêm tốn, chưa phản ánh được tiềm năng sản xuất của Việt Nam cũng chính do chúng ta đang “bỏ ngỏ” phân khúc sản phẩm qua chế biến.
Tại thị trường châu Âu, các loại hạt tươi không có thế mạnh bằng hạt chế biến, trong khi nền công nghiệp chế biến nông sản của chúng ta còn yếu và thiếu. Cả nước mới có 150 cơ sở chế biến rau quả, chưa kể, công nghệ bảo quản, chế biến sâu còn chưa đồng bộ. “Chúng ta chưa có bưởi, sầu riêng tách vỏ như Thái Lan -những mặt hàng người tiêu dùng châu Âu ưa thích vì độ tiện lợi, do đòi hỏi kỹ thuật xử lý cao hơn. Vậy thì sao có thể cạnh tranh?”, ông Nguyên đặt vấn đề.
Từ đó, ông Nguyên kỳ vọng EVFTA sẽ khơi thông nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp châu Âu vào công nghệ chế biến để nâng tầm rau quả Việt.
Về xuất khẩu hàng rau quả những tháng cuối năm 2019, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn như kinh tế thế giới nhiều bất ổn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư.
Ngoài ra, nhiều thị trường tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường khắt khe, như: Ủy ban châu Âu siết chặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu; nhiều thị trường ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận kiểm dịch thực phẩm, quy trình đóng gói và vận chuyển.
Do đó, không còn con đường nào khác, nông sản Việt nói chung và trái cây nói riêng cần tuân thủ các quy định kỹ thuật, nâng cao chất lượng cạnh tranh xem như đó là “giấy thông hành” khi vươn ra “sân chơi” thị trường thế giới.
Thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 8 ước đạt 246 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 8 tháng của năm 2019 ước đạt 2,53 tỉ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ 2018.
Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 với 70,5% thị phần, giá trị 1,65 tỉ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2018.