Từ 3 sào đất tích tụ được sau đợt chuyển đổi ruộng đất từ năm 2001, gia đình ông Hồ Phúc Lâm - một người dân tại xóm Cứu Quốc, xã Thuần Thiện (Can Lộc) đã mạnh dạn xây dựng mô hình chăn nuôi lợn kết hợp cá lúa vịt. Mặc dù quy mô không lớn, trung bình mỗi lứa chỉ tầm 40 con lợn thịt nhưng đây được đánh giá là một trong 45 mô hình kinh tế ổn định, phát triển tốt và có thu nhập bền vững của xã nhà.
Ông Hồ Phúc Lâm cho rằng nếu qua học nghề nông dân sẽ tự tin làm giàu hơn. |
Hơn 10 năm bắt tay vào làm gia trại, có thế gặp khó khăn do những biến động khách quan của thời tiết và giá cả thị trường nhưng riêng về dịch bệnh, ông Lâm chưa một lần thất bại. Trước khi bắt tay vào đầu tư làm kinh tế, điều mà ông quan tâm đầu tiên chính là những kiến thức xoay quanh việc đầu tư, chăm sóc cho vật nuôi nhà mình. Đây cũng là lý do tại sao ông lại là người đầu tiên xung phong tham gia lớp đào tạo nghề thú y của trường Trung cấp nông nghiệp Xuân An từ hơn chục năm trước.
Trước là giúp mình, sau là giúp bà con xóm làng, ông luôn là người chủ động đối phó và phòng bệnh kịp thời mỗi khi có những dấu hiệu bất thường. Ông cho biết: “Đã quyết làm giàu từ nông nghiệp, từ chăn nuôi thì chính người nông dân cũng phải như một bác sỹ của gia súc gia cầm nhà mình, phải nhìn ra vấn đề từ những biểu hiện của vật nuôi... Tất cả những điều đó đều phải học, kinh nghiệm rất quan trọng nhưng chưa thể đủ được...”
Tuy nhiên, việc các hội viên nông dân tham gia học và sau khi học các khóa đào tạo nghề đã phát huy được tác dụng như ông Lâm không phải là nhiều. Hầu hết, người dân nông thôn đầu tư phát triển kinh tế ở đây đều chủ yếu là tự học, tự mày mò và đúc rút kinh nghiệm lẫn nhau, chưa có cơ hội tham gia nhiều vào các lớp đào tạo nghề. Tại xã Thuần Thiện, với nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện Can Lộc để thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chỉ tính riêng trong hai năm qua đã có 5 lớp học nghề với trên 100 học viên tham gia. Mặc dù vậy, tính hiệu quả của nó chưa thực sự bền vững. Người dân nông thôn sau khi học nghề vẫn đang đối diện với bài toán có nghề nhưng không chuyển đổi được nghề, không sống được bằng nghề mới.
Cũng tại xóm Cứu Quốc, chúng tôi đến thăm mô hình trồng nấm của chị Lê Thị Thuận.
Khu vực sản xuất nấm của chị Thuận giờ chỉ còn bãi đất trống. |
Khi chúng tôi đến anh chị Thuận đều không có nhà vì phải đi làm nghề phụ tại địa phương khác. Sau khi tham gia lớp học trồng nấm, chị đã mạnh dạn bỏ ra hàng chục triệu đồng để đầu tư giống, nhà giàn để trồng nấm ăn và nấm dược liệu. Tuy nhiên, chỉ sau một năm chị đành phải tháo dỡ toàn bộ vì đầu ra không có, sản phẩm làm ra không ai mua, việc xâu nối, liên kết vùng đề tìm lối ra định cho cây nấm không thành công… Tưởng có nghề ổn định, nhưng giờ đây, anh lại trở về nghề cũ là tẩm quất của hội người mù, còn chị vẫn đang bươn chải với nghề hàng xáo khắp các làng trên xóm dưới.
Ngoài trồng nấm, một nghề nữa không phát huy được tác dụng sau khi được đào tạo chính là nghề mây tre đan xuất khẩu.
Ông Dương vẫn giữ một số sản phầm mây tre đan xuất khẩu để làm kỷ niệm sau khi nghề mới đã không thành công... |
Sau khi kết thúc khóa học, bà con hồ hởi với những sản phẩm đầu tay, cũng khâu nối tận xã Tân Lộc (Lộc Hà) để tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, sau vài chuyến hàng bà con bắt đầu thiếu mặn mà với nghề mới bởi nguyên liệu thì không chủ động, ngày công thấp trong khi đòi hỏi kỹ thuật khá cao. Không ít người dân cho rằng, trở lại với nghề đan rổ rá truyền thống còn dễ kiếm thu nhập hơn… Vậy là, nghề mây tre đan xuất khẩu lại đi vào quên lãng. Thêm một nghề mới không có khả năng thành hiện thực.
Theo Ông Thái Dương – Chủ tịch Hội người Khuyết tật xã Thuần Thiện, một người đã rất nhiệt tình trong việc đưa nghề về cho bà con nông dân ở đây, cho biết: Có những cái khó cho một số lớp học nghề mà quan trọng nhất là đầu ra, là tính liên kết để tìm một hướng đi ổn định. Đây cũng là lý do khiến nhiều lớp học nghề làm được, có sản phẩm nhưng đã không phát huy được...
Ông Lê Sỹ Cẩn – Phó Chủ tịch UBND xã Thuần Thiện chia sẻ thêm: Điều này với xã thực sự đã tạo ra một áp lực không nhỏ với chính quyền địa phương. Có đào tạo nghề nhưng người dân không phát triển được nghề đã đào tạo cũng là một trăn trở lớn. Tính thiết thực của nghề là điều phải được đặt lên hằng đầu. Bởi thực tế, trong các lớp đào tạo nghề thì hai lớp về kỹ thuật nuôi gà và lợn đều đã mang lại nhiều ý nghĩa với bà con. Ít nhất là họ cũng chủ động được trong việc chăn nuôi nhỏ lẻ tại các gia đình. Thực tế cho thấy nếu các lớp đào tạo nghề này thành công sẽ có ý nghĩa không nhỏ cho địa phương trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; sẽ góp phần hoàn thiện tiêu chí 14 về giáo dục với yêu cầu về tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 35% và tiêu chí 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên phải đạt từ 90% trở lên.
Với xã Thuần Thiện mong muốn được học nghề nhưng nghề đó phải đảm bảo tính thực tiễn về cả đầu ra và thu nhập là điều hết sức chính đáng với bà con nông dân. Nó không chỉ có ý nghĩa trong việc tranh thủ được nguồn lao động dư thừa, nhàn rỗi trong nông thôn mà hơn hết sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông thôn. Điều này một lẫn nữa cho thấy việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong quá trình triển khai cần nghiên cứu kỹ hơn nữa về tính khả thi cũng như hiệu quả thực tiễn trong lộ trình xây dựng nông thôn mới.
Thuận Huế
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn