32 sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2019 nhận băng khen của UBND tỉnh vào ngày 4/12 vừa qua.
Trong đợt bình chọn năm 2019, sản phẩm của Cơ sở giò me Tiến Giáp (Hương Khê) đã được Hội đồng cấp tỉnh đánh giá cao về mẫu mã và chất lượng.
Anh Nguyễn Đình Giáp - chủ cơ sở chia sẻ: “Được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu là niềm vui, niềm tự hào rất lớn đối với cơ sở chúng tôi. Ngày 4/12 vừa qua, cơ sở đã được dự lễ vinh danh và nhận giấy chứng nhận của UBND tỉnh. Điều này là căn cứ quan trọng để chúng tôi tiến hành đàm phán, hoàn thiện hồ sơ với siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh đưa sản phẩm giò me bày bán tại đây”.
Nước mắm của HTX Thiên Phú (Nghi Xuân) được đóng vào chai để chuẩn bị xuất ra thị trường.
Năm nay, sản phẩm nước mắm truyền thống của các HTX trên địa bàn Hà Tĩnh được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu chiếm tỉ lệ khá lớn như: Nước mắm Luận Nghiệp (TX Kỳ Anh), Phú Khương (huyện Kỳ Anh), Lạch Kèn (Nghi Xuân).
Anh Ngô Trung Trực - Giám đốc HTX Thiên Phú (Nghi Xuân) cho hay: “Tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu là cơ hội lớn để nước mắm Lạch Kèn khẳng định chất lượng cũng như tăng uy tín trên thị trường. Từ đây, cánh cửa mới cũng được mở ra, cơ sở sẽ có điều kiện để thực hiện kết nối cung - cầu thông qua các chương trình lớn trên cả nước. Có như thế sản phẩm mới đứng vững, độ “phủ sóng” ngày càng rộng trên thị trường”.
Các cơ sở sản xuất khu vực nông thôn đã coi trọng hơn việc đầu tư “dài hơi”, cải tiến công nghệ mới, xây dựng thương hiệu được khách hàng đón nhận.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, năm nay, các sản phẩm đều có sự chuẩn bị bài bản về hồ sơ, có hàm lượng kỹ thuật, công nghiệp ngày càng cao. Trong cơ chế cạnh tranh gay gắt từ thị trường, các cơ sở sản xuất khu vực nông thôn đã coi trọng hơn việc đầu tư “dài hơi”, cải tiến công nghệ mới, xây dựng thương hiệu riêng với mẫu mã đẹp.
Hoạt động bình chọn, tôn vinh các sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh đã động viên, khích lệ nhiều cơ sở đầu tư máy móc, duy trì sản xuất và phát triển sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đối tác.
Các cơ sở sản xuất sẽ có cơ hội giới thiệu sản phẩm tại các cuộc thi quy mô cấp khu vực, quốc gia.
Đặc biệt, thông qua chương trình, nhiều cơ hội tham gia ở các chương trình quy mô lớn, hội thợ thương mại tầm cỡ sẽ được mở ra; có điều kiện thuận lợi để giới thiệu và trao đổi sản phẩm với đối tác; tạo ra mối liên kết thương mại nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đây là đòn bẩy quan trọng để phát triển CNNT tại các địa phương, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giải quyết việc làm cho người dân.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Xuân Từ, với các sản phẩm CNNT tiêu biểu, sở sẽ tiếp tục có thêm các chính sách khuyến khích, “tiếp sức” về vốn, khoa học - công nghệ... để các cơ sở trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Đầu tư mẫu mã là một trong những hướng đi đúng để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện sản phẩm của các cơ sở.
Để vươn xa hơn, bên cạnh sự đồng hành của các cấp, ngành, cơ sở sản xuất cũng cần quan tâm, tạo liên kết chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ; đẩy mạnh hoạt động quảng bá thông qua những tiện ích mà thương mại điện tử mang lại; mở rộng kênh phân phối tại các địa phương, xây dựng trang web riêng... để tăng độ nhận diện.
Theo Thái Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn