Sau giờ hành chính, ông Phan Trọng Nam - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Mai (huyện Hương Sơn) lại bắt tay vào chăm sóc vườn cam của gia đình. Tận dụng lợi thế vườn đồi, ông Nam đầu tư trồng hơn 700 gốc cam trên diện tích 2 ha.
Ông Nam cho hay, để mô hình thật sự phát huy hiệu quả kinh tế, chúng tôi đầu tư công nghệ hiện đại, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo an toàn. Vì thế, thị trường tiêu thụ của sản phẩm cũng ngày càng thuận lợi hơn. Trang trại trồng cam không chỉ mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình mà còn là cơ sở thực tế để chúng tôi thực hiện tuyên truyền, vận động hội viên phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình.
Được biết, hiện tại, toàn xã Sơn Mai có hơn 400 hộ dân trồng cây ăn quả có múi, phần lớn diện tích là cây cam chanh.
Thôn Cao Phong, xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang) trước đây vô vàn khó khăn do địa bàn thôn rộng, dân cư thưa, đường sá đi lại chưa thuận tiện. Năm 2014, ông Nguyễn Đình Phú (SN 1953) được người dân tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng nông dân. Với phương châm “nói đi đôi với làm”, ông tiên phong trồng cam, trồng chanh, nuôi ong… để chứng minh cho bà con trong thôn thấy: "Bàn tay ta làm nên tất cả", nếu có quyết tâm và khoa học kỹ thuật, người nông dân hoàn toàn có thể làm giàu từ đất hoang, đồi trọc...
Nói thật, làm thật, đến nay, đất cằn đã sinh sôi quả ngọt. Trên diện tích gần 1 ha, gia đình ông Phú có khoảng 700 gốc cam và chanh đến độ thu hoạch, thu nhập bình quân đạt khoảng 200 triệu đồng/năm. Nhờ “đầu tàu” gương mẫu, phong trào trồng cây ăn quả trong thôn ngày càng nở rộ, thu nhập người dân tăng cao. Hiện, toàn thôn có hơn 50 hộ làm ăn khá, giỏi, thu nhập trên 100 triệu đồng. Phong trào hội nông dân tại địa phương được vực dậy, bộ mặt thôn ngày càng khởi sắc.
Ông Phú chia sẻ, không chỉ vận động người dân phá bỏ vườn tạp, trồng cây ăn quả, tôi nắm bắt các chính sách, đưa về thôn cho hội viên thụ hưởng. Từ đề xuất của tôi, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm (Hội Nông dân tỉnh) đã mở nhiều lớp đào tạo nghề trồng cây ăn quả cho hội viên trong thôn. Nhờ đó, người dân được tiếp cận với khoa học, kỹ thuật để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, hàng năm, hội viên nông dân thôn Cao Phong còn được hỗ trợ 50 tấn phân bón trả chậm, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ở xã Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh), hàng trăm mô hình kinh tế, hàng chục trang trại có thu nhập cao đang dân được hình thành. Trong đó, một phần thành quả là nhờ Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồ Tú Nam dám đi đầu, bước trước. Hiện nay, với trang trại quy mô hơn 0,5 ha cây chè, 8 ha rừng trồng cùng với hàng nghìn con gà, hàng chục con bò... doanh thu hàng năm của gia đình lên tới hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận gần 300 triệu đồng.
Ông Nam cho hay, với hiệu quả từ kinh tế trang trại, nhiều hội viên trong xã cũng như xã bạn đã đến tham quan, học hỏi và không ít người đã tự nhân rộng mô hình. Ngoài những kinh nghiệm trong sản xuất, tôi còn truyền đạt và tuyên truyền tới nông dân những chính sách hỗ trợ của địa phương để họ làm mô hình. Nhờ đó, phòng trào trồng cây ăn quả, chăn nuôi ở địa phương phát triển khá rầm rộ.
Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh Bùi Nhân Sâm cho biết: Với vai trò nêu gương, làm mẫu, tính đến nay, Hà Tĩnh đã có hàng trăm mô hình kinh tế có thu nhập cao do cán bộ hội nông dân cấp xã, thôn làm chủ. Việc những cán bộ hội xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả cao đã góp phần tạo niềm tin, dễ lan tỏa, nhân rộng đến hội viên. Cách làm này đã phát huy được vai trò của cán bộ hội trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương và chung sức xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, những cán bộ điển hình sẽ giúp làm tốt công tác vận động, tập hợp hội viên, thúc đẩy phát triển các phong trào thi đua của Trung ương hội.
Theo Dương Chiến - Ngọc Hà/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn