Những năm qua, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả để thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, ngành này vẫn gặp không ít khó khăn như: Ngập úng mùa mưa; dịch bệnh vào mùa khô, thiếu nguồn nước sạch, giá cả không ổn định... Để phát triển bền vững, tất yếu ngành phải vượt qua những rào cản, thách thức này.
|
Một hộ gia đình chăn nuôi thủy sản tại xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt |
Khó nhiều bề
Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn TP Hà Nội hiện đạt khoảng 21.200ha. Thế nhưng, chỉ tính riêng đợt mưa úng trong tháng 7-2018 đã có tới 70% diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng. Trong đó, 3 huyện bị ảnh hưởng nặng nề nhất là: Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 1.000ha và 72m3 lồng nuôi bị mất trắng.
Anh Cấn Hoàng Chiến ở thôn Cấn Thượng (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) xót xa chia sẻ, hơn 1ha nuôi trồng thủy sản của gia đình đã ngập trắng trong đợt mưa lớn vừa qua, đến nay sau nhiều ngày ngập sâu, cá hầu như mất trắng. Không còn cá để thu hoạch, trang trại của gia đình anh đối diện với nhiều khó khăn sau khi nước rút, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng, không có vốn để tái sản xuất...
Ông Chu Văn Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tâm (huyện Ba Vì) cho biết, trong đợt mưa úng vừa qua, trên địa bàn huyện có hàng trăm hội viên gặp khó khăn, thiệt hại khó có thể tính toán hết vì nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản vẫn bị ngập sâu. Còn ông Lê Văn Lanh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) xác định rõ, 100% diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã bị mất trắng...
Dù không bị ảnh hưởng nặng nề do ngập úng đợt này nhưng đối với nhiều huyện khác trên địa bàn thành phố, việc nuôi trồng thủy sản lại đối mặt với khó khăn do nguồn nước bị ô nhiễm. Ông Nguyễn Văn Rơi ở thôn Ngọc Động (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) nói: "Gia đình tôi có hơn 1 mẫu ao nuôi các loại cá truyền thống. Do nguồn nước ô nhiễm nên cá thường xuyên bị bệnh, ảnh hưởng đến hiệu quả"...
Chủ tịch UBND xã Phương Tú Lê Xuân Toán cho hay, toàn xã có 218ha nuôi trồng thủy sản với 200 hộ sản xuất. Nguồn nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nghiêm trọng nên rất khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng. Đặc biệt, trong những đợt mưa úng kéo dài, người nuôi trồng thủy sản phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, cá chết hàng loạt, nhiều khu nuôi trồng thủy sản bị hỏng bờ, kè, công tác duy tu, sửa chữa tốn kém... Bên cạnh đó là những khó khăn về hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi kém, các loại cá truyền thống giá cả không ổn định... nên nhiều giai đoạn trong năm phải chịu lỗ.
Gỡ khó từ chính sách
Mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai đối với thủy sản, cụ thể, theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ thì diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ từ 7.100.000 đến 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ từ 3.000.000 đến 7.000.000 đồng/ha. Thế nhưng thực tế cho thấy, việc khó xác định sản lượng thực trong ao nên chưa có căn cứ cụ thể để xác định mức độ thiệt hại, thậm chí với mức hỗ trợ trên nông dân vẫn rất khó khăn trong việc khắc phục. Vì vậy, ngoài mức hỗ trợ theo quy định trên, thành phố cần đẩy mạnh cho nông dân vay vốn ưu đãi thông qua: Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ hỗ trợ hợp tác xã, Ngân hàng Chính sách xã hội để khôi phục sản xuất; tăng cường hỗ trợ cho nông dân về con giống chất lượng cao, xử lý môi trường sau ngập úng…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn, thời gian qua, huyện Ứng Hòa đã hỗ trợ thiết thực cho nông dân nuôi trồng thủy sản như: Nạo vét kênh mương thủy lợi, hỗ trợ nông dân mua chế phẩm xử lý nguồn nước với kinh phí hàng tỷ đồng. Dù vậy, các giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, về lâu dài, huyện Ứng Hòa mong muốn được thành phố hỗ trợ đầu tư hệ thống dẫn nước từ sông Đáy về địa phương nhằm đáp ứng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn và có kế hoạch cải thiện tình hình ô nhiễm nguồn nước từ sông Nhuệ.
Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho rằng, chính sách đầu tư cho phát triển thủy sản còn ít, một số chính sách chưa phù hợp với thực tế; bộ máy quản lý thủy sản từ trung ương đến địa phương chưa đồng bộ, lực lượng cấp huyện "mỏng" nên việc ứng phó với các diễn biến bất lợi của thiên tai, bão lũ gặp nhiều khó khăn. Do đó, ngành thủy sản Hà Nội cần đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới tại các huyện để có thêm nguồn lực phát triển.
Cùng với các giải pháp trên, các vùng nuôi trồng thủy sản cần phát triển thâm canh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiết kiệm nước, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi và xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản theo vùng, theo đối tượng nuôi... Đặc biệt, thành phố cần tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản...
Bạch Thanh/hanoimoi.com.vn