Những năm gần đây, trên khắp các vùng quê Hà Tĩnh từ miền núi đến miền biển có rất nhiều thanh niên đã nỗ lực vươn lên xây dựng những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương. Tuy nhiên, trong bối cảnh CNH - HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, không ít thanh niên nông thôn gặp khó khăn trong quá trình khởi nghiệp như: Về vốn, KHKT, tìm đầu ra cho sản phẩm… Chính vì thế, nhiều thanh niên sau khi lập nghiệp lại không muốn hoặc không thể khởi nghiệp sáng tạo trên chính những thành quả đã đạt được của mình.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lê Thành Đông cho biết: “Nhận rõ những khó khăn đó nên trong kế hoạch tổ chức chương trình thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2021, chúng tôi xác định đây là 1 trong 3 đối tượng tập trung hướng tới. Chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng các dự án, đề án trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, làm cầu nối vay vốn nhằm giúp thanh niên nông thôn có thể khởi nghiệp thành công”.
Nhằm hỗ trợ thanh niên nông thôn có hướng đi, khai thác được năng lực tiềm ẩn của bản thân, Tỉnh đoàn còn phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH, các công ty tổ chức hỗ trợ, tư vấn, định hướng nghề nghiệp thông qua ngày hội “tư vấn tuyển sinh”, “tư vấn hướng nghiệp”, “hành trình đến với trường nghề, làng nghề”, “hành trình đến với nhà máy, xí nghiệp và doanh nghiệp”…
Việc hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật phun sương trong sản xuất nấm giúp các chủ xưởng nấm rút ngắn thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất, sản lượng.
Triển khai kế hoạch chương trình thanh niên khởi nghiệp, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã phối hợp với một số sở, ban, ngành liên quan xây dựng và phát động chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”. Đối với thanh niên nông thôn, cùng với việc mở các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng, kiến thức chung về khởi nghiệp, Tỉnh đoàn còn hỗ trợ nhiều thông tin, kiến thức cụ thể.
Theo đó, đối tượng này sẽ được tư vấn và hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, phát triển các tổ hợp tác, HTX, xây dựng các mô hình kinh tế thanh niên, hình thành CLB Khởi nghiệp nông nghiệp.
Ngoài ra, Tỉnh đoàn cũng sẽ là cầu nối hỗ trợ vay vốn từ các nguồn của Trung ương Đoàn, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi vận dụng từ các cơ chế, chính sách của tỉnh. Đến nay, ngoài nguồn vốn 2,6 tỷ đồng từ kênh 120 do Trung ương Đoàn phân bổ, Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của tỉnh 622 triệu đồng, Tỉnh đoàn còn quản lý nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ 476 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, chương trình thanh niên khởi nghiệp đã hỗ trợ xây dựng hơn 70 mô hình kinh tế cho thanh niên nông thôn.
Anh Trần Anh - Chủ nhiệm CLB Thanh niên phát triển kinh tế huyện Kỳ Anh cho biết: “Thời gian qua, hoạt động tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, tổ chức các đoàn tham quan, học tập các mô hình hiệu quả do Tỉnh đoàn tổ chức có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao nhận thức, ý chí khởi nghiệp cho các chủ mô hình kinh tế ở Kỳ Anh. Đặc biệt, việc hướng dẫn các hình thức liên kết đã tạo niềm tin, động lực cho các chủ mô hình trong SXKD”.
Thời gian qua, các mô hình kinh tế nông thôn không chỉ giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương mà còn có sức hấp dẫn, kêu gọi thanh niên ly quê trở về. Trong số đó, nhiều thanh niên đã trở về làm giàu chính đáng trên quê hương, khai thác những vùng đất hoang hóa, bạc màu, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Những kiến thức mới lạ về quản lý, điều hành, đặc biệt là những tiến bộ KHKT được hỗ trợ áp dụng trong sản xuất nông nghiệp đã và đang tạo niềm hứng khởi để thanh niên nông thôn quyết tâm xây dựng đề án khởi nghiệp cho riêng mình.
Theo Anh Hoài/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn