|
Ông Lê Bạch Hồng, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Ảnh: Chinhphu.vn |
PV: Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020. Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của Nghị quyết này? Ông Lê Bạch Hồng: Nghị quyết của Bộ Chính trị đã khẳng định BHXH và BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Trong Nghị quyết của Đại hội Đảng các nhiệm kỳ, nhất là Đại hội Đảng XI vừa qua đã nêu rất rõ phát triển kinh tế, đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.
Hiện nay, chính sách BHXH và BHYT được thể chế hoá bằng hai Luật là: Luật BHXH và Luật BHYT, phạm vi điều chỉnh trên phạm vi cả nước. Đối tượng gồm có nhân dân lao động và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Như vậy, trên phạm vi cả nước ta hiện nay, 2 Luật này điều chỉnh khoảng 86 triệu dân. Nếu chúng ta thực hiện tốt 2 Luật này thì bảo đảm an sinh xã hội của đất nước, góp phần giữ vững, ổn định chính trị xã hội.
Thực tế thời gian qua, BHXH Việt Nam nỗ lực thực hiện chủ trương của Đảng và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ước đến hết năm 2012, số người tham gia BHXH, BHYT là 59.504.000 người, chiếm 67,6% dân số, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, tham gia BHXH là 10.512.000 người; BHYT là 59.164.000 người. Ước thực hiện thu BHXH, BHYT năm 2012 đạt 125.120 tỷ đồng, đạt 103,8% so với kế hoạch được giao.
Ước đến hết năm 2012, toàn Ngành giải quyết cho 6.848.035 lượt người hưởng chế độ BHXH, tăng 1.073.359 lượt người (18,6%) so với cùng kỳ năm 2011. Tổng số tiền chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH là 98.941 tỷ đồng. Thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 121.145.823 lượt người, tăng 6.953678 lượt người (6,1%) so với cùng kỳ năm 2011. Tổng số tiền thanh toán khám chữa bệnh BHYT là 28.940 tỷ đồng.
PV: Nghị quyết 21 đặt ra mục tiêu tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; áp dụng thêm các loại BHXH mới phù hợp với nhu cầu nhân dân, thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung... Ông có thể cho biết việc triển khai các chủ trương cụ thể này trong thời gian tới như thế nào? Ông Lê Bạch Hồng: Hiện nay, đối tượng tham gia BHXH mới khoảng 20% số người lao động và đối tượng tham gia BHYT khoảng 65%. Trong khi đó, mục tiêu phấn đấu của chúng ta đến năm 2020 sẽ đạt 50% lực lượng lao động tham gia BHXH và cũng phải trên 80% dân số tham gia BHYT. Đây cũng chính là nền tảng để tiếp tục phấn đấu những năm sau thực hiện BHYT toàn dân.
Muốn làm được điều này cần phải huy động cả hệ thống chính trị, cấp uỷ chính quyền địa phương, các bộ ngành, các đoàn thể đều phải vào cuộc. Và chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để người dân thấy rằng tham gia BHXH và BHYT là lợi ích vừa lâu dài, vừa trước mắt. Ví dụ như BHYT có sự chia sẻ, nếu 80 triệu dân đều tham gia BHYT thì sẽ có nguồn quỹ để chi trả cho những người không may bị ốm đau kể cả những người bị bệnh nặng, giúp họ và gia đình vượt qua khó khăn; đồng thời có điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho toàn dân tốt hơn. Hoặc khi diện bao phủ BHXH nhiều lên thì sau này những người tham gia BHXH hết tuổi lao động sẽ hưởng chế độ hưu trí để ổn định cuộc sống tuổi già và được quỹ hưu trí chăm lo, khám chữa bệnh, chăm lo bảo đảm ổn định cuộc sống lâu dài.
PV: Một người dân ở tỉnh Hải Dương sau khi đọc Nghị quyết này đã gửi câu hỏi đến Cổng TTĐT Chính phủ như sau: “Ngay trong Nghị quyết của Bộ Chính trị đã chỉ rõ một số tồn tại đang là sự quan tâm, bức xúc của dư luận nhân dân, như mới chỉ có khoảng 20% lực lượng lao động tham gia BHXH, số người tham gia BHYT mới đạt khoảng 65% dân số; Quỹ bảo hiểm xã hội, nhất là Quỹ hưu trí, tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần; nhiều doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH, BHYT; khám chữa bệnh theo BHYT chưa đáp ứng nhu cầu,… Vậy thời gian khắc phục xong những tồn tại này sẽ là bao giờ?”. Xin chuyển câu hỏi này của người dân đến ông và đề nghị ông cho biết lộ trình cụ thể của ngành khắc phục những tồn tại như nêu trên? Ông Lê Bạch Hồng: Theo tôi đây cũng là băn khoăn của rất nhiều người dân hiện nay và cũng là mục tiêu phấn đấu của ngành BHXH để giảm bớt những băn khoăn đó.
|
Ảnh minh họa |
Về việc diện bao phủ BHXH, BHYT còn thấp, trước hết, cần phải nói về chủ thể tham gia. BHXH, BHYT gồm có 3 chủ thể chính: Người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước. Nếu có sự phối hợp của cả ba chủ thể trên thì chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu sớm. Về phía Nhà nước đã có cơ chế chính sách, pháp luật, có bộ máy tổ chức thực hiện trên phạm vi cả nước. Nếu nhân dân, người sử dụng lao động và người lao động hiểu rõ chính sách, tích cực tham gia thì lúc bấy giờ chúng ta mới hoàn thành được mục tiêu.
Về việc Quỹ bảo hiểm xã hội, trước đây, chính sách đưa ra quyền lợi thường cao hơn nghĩa vụ. Ví dụ, một người tham gia BHXH 20 năm, khi đến tuổi nghỉ hưu thì số tiền người đó đóng, cộng dồn lại cùng với lãi suất thì chỉ trả lương hưu được khoảng 7 - 8 năm là hết tiền. Trong khi đó, tuổi thọ của người dân hiện nay nâng cao hơn, vì vậy nguy cơ về quỹ hưu trí chính là ở chỗ đó.
Do đó, sắp tới sẽ phải có giải pháp để sửa đổi Luật, cụ thể như: Tăng tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh mức đóng, mức hưởng BHXH cho phù hợp với thực tế. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các Bộ, ngành trình Quốc hội sửa Luật BHXH, BHYT để đảm bảo cân đối lâu dài.
Về việc doanh nghiệp nợ và trốn đóng bảo hiểm, hiện nay trốn đóng, nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội diễn ra rất phổ biến chủ yếu vẫn là do người sử dụng lao động chưa thấy được trách nhiệm xã hội vì đóng cho người lao động sẽ làm giảm lợi nhuận của chủ doanh nghiệp. Do vậy, chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền, giải thích để người chủ lao động thấy trách nhiệm xã hội của mình và tự giác tham gia.
Nguyên nhân trốn đóng, nợ BHXH nhiều là do hiện nay chế tài xử lý chưa mạnh, hành vi trốn, nợ hàng tỷ, vài chục tỷ đồng nhưng phạt tối đa chỉ 20-30 triệu đồng. Chúng tôi cũng có kiến nghị sắp tới sửa Luật thì tăng chế tài xử lý vi phạm về BHXH cũng giống như chế tài vi phạm luật Thuế thì lúc bấy giờ sẽ giảm được tình trạng nợ và trốn đóng BHXH.
Với vấn đề khám chữa bệnh mà người dân đang rất quan tâm, muốn khắc phục bất cập như bạn đọc nêu, chúng ta phải làm đồng bộ, từ việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở khám chữa bệnh, đào tạo đội ngũ y bác sĩ, cải cách thủ tục khám chữa bệnh. Công tác này cũng phải có thời gian nhất định. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách thủ tục trong khám chữa bệnh để việc khám chữa bệnh cho dân ngày một tốt hơn.
PV: Với người dân, một trong những mong muốn của họ là hệ thống BHXH, BHYT theo hướng đơn giản, thuận lợi, phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm. Liệu yêu cầu này có được cải biến rõ rệt trong thời gian sắp tới không thưa ông? Ông Lê Bạch Hồng: Vừa rồi, chúng tôi đã tiến hành cải cách thủ tục hành chính. Trong đó rà soát lại, loại bỏ rất nhiều thủ tục rườm rà cho người dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát thủ tục và lắng nghe ý kiến người dân phản ánh xem những thủ tục nào không cần thiết để tiếp tục nghiên cứu giảm bớt.
Đối với cán bộ, viên chức ngành BHXH nếu có thái độ ý thức phục vụ không tốt, sẽ xử lý nghiêm khắc; đồng thời tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân người dân khi tham gia BHXH, BHYT thấy rằng mình có thể yên tâm vì được phục vụ ngày một tốt hơn.
PV: Vậy điều mấu chốt nhất để chính sách BHXH, BHYT đi vào cuộc sống là gì, thưa ông? Ông Lê Bạch Hồng: Chính sách BHXH và BHYT là chính sách tốt đẹp, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta với diện bao phủ cả nước, góp phần đảm bảo cho người dân cũng như người lao động từ khi mới sinh ra cho đến khi đi làm và khi hết tuổi lao động được về hưu ổn định cuộc sống lâu dài.
Thế nhưng để thực hiện tốt chính sách này, không phải chỉ có trách nhiệm của Nhà nước mà người dân phải ủng hộ và tham gia hưởng ứng tốt. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về tính ưu việt của 2 chính sách này. Khi đó, việc thực hiện sẽ thành công và người dân tham gia, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT tự nguyện sẽ được hưởng chế độ đầy đủ.
Tôi cũng rất mong rằng thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, các cấp, các ngành sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu thêm để chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
PV:
Trân trọng cảm ơn ông! Thanh Hoài – Thanh Thủy thực hiện
Theo baodientu.chinhphu.vn