Ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) - Chi nhánh Thanh Hóa, cho biết: Chi nhánh đang thực hiện giải ngân 11 chương trình tín dụng ưu đãi, như: Cho vay đối với hộ nghèo, giải quyết việc làm, cho vay hỗ trợ tài chính phục vụ học tập của học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay vốn hộ kinh doanh vùng khó khăn, cho vay vốn hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cho hộ nghèo vay làm nhà ở... Bắt đầu từ ngày 16-4-2013, chi nhánh giải ngân thêm 1 chương trình tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “về tín dụng đối với hộ cận nghèo”. Đây là một chủ trương rất có ý nghĩa của Chính phủ nhằm giúp hộ cận nghèo có “cần câu” để tập trung phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo sớm tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các huyện, thị xã tiếp tục bám sát các tiêu chí hộ nghèo và hướng dẫn của cơ quan Nhà nước, rà soát danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; tham mưu cho UBND huyện, thị xã chỉ đạo UBND cấp xã rà soát danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo; chủ động điều chỉnh, bổ sung kịp thời vào danh sách những hộ thuộc diện nghèo của địa phương để có căn cứ xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí, bảo đảm các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ NHCSXH. Từ công tác rà soát bước đầu ở cơ sở cho thấy: Năm 2013, toàn tỉnh còn 108.099 hộ cận nghèo. Đây là những đối tượng tiềm lực kinh tế còn khó khăn chỉ cần qua một trận dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, một đợt thiên tai là họ có thể trở thành hộ nghèo. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mức cho vay đối với hộ cận nghèo do NHCSXH và hộ cận nghèo thỏa thuận, nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ sản xuất, kinh doanh áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ. Theo quy định, từ trước đến nay, mỗi hộ nghèo được vay tối đa 30 triệu đồng/hộ, với lãi suất 0,65%/năm. Vì có hộ có nhu cầu vay nhiều tiền để đầu tư sản xuất, nhưng cũng có hộ lại có nhu cầu vay ít, vì vậy chủ trương của ngân hàng là làm sao để nguồn vốn đi đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm chi phí cho hộ cận nghèo và sử dụng hiệu quả đồng vốn đó. Trong khi đó, quyết định cho vay đối với hộ cận nghèo nêu rõ: Lãi suất cho vay bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Tỉnh ta hiện có 66.115 hộ cận nghèo có nhu cầu được vay vốn ưu đãi với tổng nguồn vốn là 1.514 tỷ 266 triệu đồng.
Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) do chị Phạm Thị Hạnh làm tổ trưởng là 1 trong 3 tổ TK&VV của thôn 10, xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc). Tổ có gần 40 thành viên đang được hưởng lợi từ các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH với tổng dư nợ lên tới hơn 800 triệu đồng. Bình thường, tổ TK&VV của chị Hạnh họp vào ngày 10 hàng tháng. Nhưng đáp ứng yêu cầu của các thành viên trong tổ và bà con trong xóm về thông tin chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi, chị Hạnh quyết định họp tổ “bất thường” trước cả chục ngày so với thường lệ. Chị Hạnh phấn khởi cho biết: “Hơn chục hôm trước, mấy bác bên hội nông dân xã cho tôi biết thông tin về chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn. Hôm nay tôi đã có trong tay bản photocoppy Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ do Phòng giao dịch NHCSXH Ngọc Lặc cung cấp. Hộ cận nghèo mong mãi vốn ưu đãi rồi, bữa nay mới được tai nghe mắt thấy Quyết định 15”. Trong buổi họp tổ TK&VV đó, nhiều hộ hỏi khá kỹ lưỡng về nội dung Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Anh Quách Văn Lý, người dân tộc Mường, chia sẻ: “Nhà tôi thuộc hộ cận nghèo, chỉ mong đợt tới được vay mức tối đa 30 triệu đồng để mua trâu về cày, bừa và sinh sản”.
Triển khai thực hiện Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ anh Lý, ở xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) phấn khởi mà còn là niềm mong chờ của hàng chục nghìn hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Theo bà Hoàng Thị Hoạt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc Tân (Hậu Lộc): “Qua điều tra, phân loại, bình xét, toàn xã có tới gần 150 hộ cận nghèo. Khi thực hiện Quyết định 15 sẽ có thêm nguồn vốn ưu đãi về địa phương, góp phần hỗ trợ giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân trong xã”. Bà Ngô Thị Hà, thôn Đồng Tâm (xã Lộc Tân, huyện Hậu Lộc), phấn khởi bày tỏ: “Gia đình tôi trước đây là đối tượng hộ nghèo vay vốn của NHCSXH. Sau khi được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã thì tôi không còn được vay vốn nữa, trong khi cuộc sống gia đình vẫn còn những khó khăn. Vừa qua, nghe thông tin về chương trình tín dụng hộ cận nghèo, tôi rất mừng vì sẽ có thêm cơ hội vay vốn để tổ chức làm ăn, cải thiện kinh tế gia đình tốt hơn!”.
Ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo khá mong manh, một hộ đầu tháng cận nghèo, nhưng cuối tháng có thể thành hộ nghèo. Chênh lệch mức sống giữa hộ nghèo và cận nghèo lại không khác nhau là mấy. Tuy nhiên ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích, muốn có tỷ lệ hộ nghèo thấp, nên việc đưa ra số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa hoàn toàn chính xác. Do vậy, trong quá trình bình xét cho hộ nghèo vay vốn ở các địa phương, có nhiều lúc gây ra căng thẳng giữa nội bộ nhân dân, giữa người dân với cơ quan thực hiện chính sách và chính quyền. Quyết định sẽ khắc phục được tình trạng này, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ cận nghèo, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, gìn giữ và nâng cao tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư...
.Bài và ảnh: Khánh Phương (baothanhhao.vn)