Cần tiếp tục tăng cường ưu đãi, tháo gỡ khó khăn trong huy động tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Nguồn: internet
Trước đó, Nghị định 61/2010/NĐ-CP về thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã cụ thể hóa chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN khi có dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn như đất đai, đào tạo, khoa học công nghệ, khả năng tham gia và tiếp cận thị trường… Các chính sách bổ sung trên được coi là “mạnh” hơn các chính sách khuyến khích đầu tư hiện hành theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, Nghị định 61 chưa thực sự thể hiện vai trò được kỳ vọng là đột phá thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Vì vậy, Nghị định 210/2013/NĐ-CP, bên cạnh việc giữ lại những ưu điểm của Nghị định 61, đã bổ sung những điểm mới: Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thực hiện; quy trình nhận hỗ trợ, điều kiện nhận ưu đãi hỗ trợ rõ ràng, minh bạch; có văn bản cam kết hỗ trợ, khi khi DN hoàn thành đầu tư thì được hưởng chính sách để DN an tâm đầu tư; những hỗ trợ nhỏ (đào tạo, quảng cáo..) được trừ vào chi phí của DN khi quyết toán thuế, không cần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách; có hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Trung ương cho các địa phương còn khó khăn về ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Nghị định 210 xác định rõ mức hỗ trợ cho từng lĩnh vực, cụ thể: Chăn nuôi gia cầm công nghiệp, tập trung (2 tỷ đồng/quy mô dự án); chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung (3-5 tỷ đồng/quy mô dự án); trồng cây dược liệu (15 triệu đồng/ha); nuôi trồng hải sản trên biển (40-100 triệu đồng/lồng); đầu tư cơ sở sấy lúa, sấy phụ phẩm thủy hải sản, chế biến cà phê, chế biến thủy hải sản (2 tỷ đồng/quy mô dự án); chế biến gỗ trồng rừng (20 tỷ đồng/dự án), hỗ trợ vận chuyển 1.500 đồng/tấn/km; bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản (50% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng trong hàng rào, 70% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào).
Ngoài ra Nghị định cũng quy định mức hỗ trợ cho DN đào tạo trực tiếp lao động phổ thông tại nhà máy và nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm khoa học công nghệ...
Những sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 210 là một bước chuyển biến tích cực, là cơ sở để kỳ vọng việc thu hút DN sẽ đạt kết quả khả quan hơn, góp phần tăng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; thúc đẩy công nghệ sản xuất và chế biến nông sản; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và liên kết giữa các thành phần kinh tế ở nông thôn.
Ngoài ra Chính sách này sẽ đưa được DN về nông thôn, miền núi, giảm sức ép dân số lên các đô thị lớn, phân bố lại dân cư theo hướng không tập trung dân quá đông vào các trung tâm, hình thành các vùng nông thôn gắn với công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước; giảm sức ép đối với bảo vệ rừng đặc dụng và bảo tồn biển.
Tuy nhiên, DN hoạt động với mục tiêu lợi nhuận nên sẽ quyết định đầu tư nếu có lợi nhuận chứ không phải để nhận tiền hỗ trợ. Do đó Nghị định 210 sẽ không thể phát huy được hiệu quả cao nhất nếu như các yếu tố rào cản không được cải thiện (sản xuất manh mún, rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường, hiệu lực quản lý chất lượng nông sản và vệ sinh an toàn thực phẩm thấp, vùng nguyên liệu không ổn định, việc phá vỡ hợp đồng trong liên kết nông dân–DN còn phổ biến...).
Vì vậy, cần tiếp tục tăng cường ưu đãi, tháo gỡ khó khăn trong huy động tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn; hoàn thiện chính sách và mở rộng bảo hiểm cho nông nghiệp để giảm thiểu rủi ro cho người dân và DN đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục tháo gỡ những rào cản trong phát triển nông nghiệp, nông thôn... để tạo một môi trường đầu tư cạnh tranh, lành mạnh cho DN yên tâm đầu tư và phát triển.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn