Để có sản lượng cao, một số ngư dân ở Bình Định đã chuyển sang khai thác cá ngừ vằn
Ngày 9-8, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị về hiện trạng và giải pháp tổ chức khai thác, quản lý, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ.
Theo Bộ NN-PTNT, hiện tất cả các khâu của nghề khai thác cá ngừ ở Việt Nam đều kém. Trong đó, bảo quản được xem là khâu quyết định đến chất lượng và giá bán cá nhưng cũng chưa được xem trọng. “Hầu hết hầm bảo quản trên các tàu khai thác cá ngừ đều lót xốp và phủ bạt, không đủ độ lạnh để bảo quản nên chất lượng cá thấp, giá bán không cao” - ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng Phòng Cơ sở hậu cần và dịch vụ nghề cá, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT, nhận định.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ cho rằng để đạt chất lượng xuất khẩu, cá cần được bảo quản ở độ lạnh -60oC nhưng hiện việc bảo quản trên các tàu cá tối đa chỉ -45oC. “Nhà nước cần hỗ trợ ngư dân nâng cao chất lượng bảo quản trên các tàu thuyền để bán được cá với giá cao, từ đó có điều kiện bám biển” - ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Công ty TNHH Hải Vương, nói.
Theo ông Võ Kến (ngư dân ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn - Bình Định), một nguyên nhân khác dẫn đến chất lượng cá giảm là dịch vụ hậu cần ở các cảng còn kém. “Tại các cảng cá ở Bình Định và Phú Yên, mỗi khi tàu vào, ngư dân phải vác cá đi một quãng đường rất xa mới đến được bờ thì lấy gì cá còn chất lượng. Phải thay đổi đồng bộ việc bảo quản cá từ tàu đến bến bãi” - ông Kến kiến nghị.
Kết quả khảo sát của các nhà khoa học cho thấy vùng biển Việt Nam có 9 loại cá ngừ với trữ lượng hơn 1,1 triệu tấn/năm, trong đó, cá ngừ vằn (cá ngừ sọc dưa) chiếm hơn 600.000 tấn/năm. Tuy nhiên, ngư dân chủ yếu khai thác cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to, trong khi trữ lượng 2 loại này thấp. “Số lượng 2 loại cá ngừ này đang giảm dần trên vùng biển nước ta, nếu đẩy mạnh khai thác thêm vài năm nữa thì sản lượng sẽ rất thấp. Muốn đạt được sản lượng cao, ngư dân cần chuyển sang khai thác cá ngừ vằn” - ông Chu Tiến Vĩnh, nguyên phó cục trưởng Cục Thủy sản, nói.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, chuyên viên phụ trách thủy sản của Văn phòng Chính phủ, để ngư dân chuyển sang khai thác cá ngừ vằn, cần thay đổi công nghệ chế biến và thay thế sản phẩm xuất khẩu từ cá ngừ ăn tươi sang cá ngừ đông lạnh. “Ngư dân cũng cần thay đổi từ câu đèn, câu vàng sang lưới vây để khai thác cá ngừ vằn tốt hơn” - ông Hưng lưu ý.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng đây là một hướng đi mới nhằm tổ chức lại nghề cá tốt hơn, từ đó giúp ngư dân an tâm bám biển.
Thí điểm hiện đại hóa 30 tàu cá Bộ NN-PTNT đang xây dựng đề án thí điểm hiện đại hóa 30 tàu khai thác cá ngừ tại 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa. Số tàu cá này sẽ được đóng mới bằng vỏ thép và trang bị đầy đủ các máy khai thác, thiết bị bảo quản, thông tin liên lạc, dự báo ngư trường hiện đại với tổng kinh phí 280 tỉ đồng. Nếu được Chính phủ phê duyệt, đề án sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2013 đến 2015. |