Có thể nói, Quyết định số 800, ngày 04/6/2010 của Thủ tưởng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 có ý nghĩa rất to lớn đối với sự phát triển một nền nông nghiệp mới trên địa bàn Hà Tĩnh.
Để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong điều kiện một tỉnh nghèo, tỷ lệ cư dân nông thôn cao, Hà Tĩnh coi việc xây dựng và triển khai đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung cốt lõi và ưu tiên hàng đầu.
Đề án phát triển Chăn nuôi được sự góp sức quan trọng của chính sách theo Quyết định 24 |
Theo đó, nhiều đề án, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp đã ra đời. Trong đó, các đề án trọng tâm và trực tiếp góp phần xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, đó là: Đề án phát triển chăn nuôi, Đề án phát triển chăn nuôi lợn, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản, Đề án khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Cùng với đó là nhiều chính sách khuyến khích để thực hiện các đề án, trong đó Quyết định 24/2011 của UBND tỉnh về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn là một hệ thống chính sách dành cho phát triển nông nghiệp hết sức rộng lớn cả về đối tượng áp dụng cũng như phạm vi điều chỉnh. Đặc biệt, mức hỗ trợ được coi là lớn nhất từ trước đến nay. Đây được coi là cơ hội không thể tốt hơn cho các địa phương trong tiến trình phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa bền vững.
Việc xây dựng và đề ra được những định hướng phát triển sản xuất đúng hướng, phù hợp với thực tiễn; những biện pháp, giải pháp hợp lý, chiến lược cùng với một hệ thống chính sách khuyến khích kịp thời và hiệu quả đã đưa đến những bước chuyển quan trọng của nền nông nghiệp tỉnh nhà.
Các chính sách lớn từng bước được triển khai đã tạo động lực quan trọng để các ngành chuyên môn và các địa phương thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển nông nghiệp. Đặc biệt là chính sách từ Quyết định 24 đi vào cuộc sống với tính chất hỗ trợ đa lĩnh vực, đã tạo được mục tiêu và động lực quan trọng để thực hiện tốt các đề án sản xuất nông nghiệp; khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, liên doanh, liên kết quy mô lớn, hiệu quả cao; áp dụng được nhiều các tiến bộ KHKT và công nghệ mới vào sản xuất, từng bước tạo ra được một nền nông nghiệp hàng hóa bền vững.
Năm 2011, nguồn kinh phí thực hiện chính sách nông nghiệp theo Quyết định 24 đạt gần 9 tỷ đồng. Rõ nét nhất là tác động của các chính sách hỗ trợ trong việc thực hiện đề án phát triển chăn nuôi lợn. Theo tổng kết của Sở NN&PTNT, sau hơn 1 năm thực hiện đề án và hơn 6 tháng thực hiện Quyết định 24, ngành chăn nuôi - một ngành có tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị nông nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc.
Đến nay, tổng đàn lợn thường xuyên và ổn định ở mức 365.000 con; chất lượng đàn nái được cải thiện đáng kể theo hướng tăng nhanh đàn nái ngoại. Chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng liên doanh, liên kết, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với xây dựng NTM.
Cần nỗ lực nhiều hơn
Sau gần 1 năm được xây dựng và ban hành, nhìn chung việc triển khai các chính sách còn nhiều vướng mắc; con đường đưa chính sách của tỉnh vào cuộc sống vẫn còn nhiều gập ghềnh, trở ngại.
Thể hiện cụ thể nhất, đó là sau gần nửa năm thực hiện, trong số gần 30 tỷ tiền chính sách 24 được phân bổ cho năm 2012, đến nay toàn tỉnh mới tiến hành giải ngân được 3 tỷ đồng.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn, thì nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm trễ và kém hiệu quả việc thực hiện chính sách 24 vào các đề án trong thời gian qua, thứ nhất, đó là sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ cấp huyện đến cơ sở; thứ hai là, sự nhận thức chưa sát sao về tính chất và mục đích của chính sách, việc tuyên truyền trong nhân dân chưa đúng với yêu cầu đặt ra.
Thực tế hiện nay, phần lớn các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế về quy mô. Vì vậy, trong khi tỉnh đề ra những chính sách với mục đích khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, liên doanh, liên kết quy mô lớn, thì rất nhiều mô hình sản xuất không “với” tới được sự điều chỉnh của chính sách.
Phần lớn các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta còn có quy mô nhỏ |
Từ đó, nhiều người đã hiểu sai và nghi ngờ sự khách quan, công bằng trong quá trình thực hiện chính sách, thậm chí coi đó chỉ là chính sách dành cho người giàu.
Còn đối với các địa phương, thay vì đẩy mạnh tổ chức sản xuất, xây dựng nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn, hầu hết lại đề xuất hạ mức hỗ trợ của chính sách xuống thấp hơn để “chạm” được với nhiều mô hình.
Nhiều nơi còn chia nhỏ các chính sách của tỉnh. Qua kiểm tra, đánh giá của ngành chuyên môn, nhiều địa phương đã có biểu hiện hợp thức hóa tiêu chí để hưởng chính sách bằng cách lấy báo cáo các mô hình kinh tế cũ để nhận tiền hỗ trợ, trong khi việc hỗ trợ của chính sách là để phát triển các mô hình sản xuất mới.
Việc triển khai các chính sách gắn với thực hiện các đề án phát triển nông nghiệp là một nhiệm vụ có tính chiến lược, lâu dài. Do thời gian triển khai chưa dài nên sẽ khó tránh khỏi những tồn tại, vướng mắc.
Điều đáng quan tâm là, cùng với quá trình thực hiện các lĩnh vực xây dựng NTM, các địa phương, cơ sở cần coi việc triển khai thực hiện các đề án và chính sách này như một nhiệm vụ trọng tâm trước mắt.
Cần xác định, các đề án phát triển nông nghiệp là những định hướng, chiến lược quan trọng để thực hiện các đề án sản xuất nâng cao đời sống nhân dân ở địa phương mình. Từ đó, các huyện phải nỗ lực đồng hành cùng tỉnh đưa chính sách vào cuộc sống đồng thời bản thân người dân cũng phải vươn lên tiếp cận chính sách, tạo sức bật để khơi dậy mọi nguồn lực, từng bước đưa các đề án phát triển nông nghiệp sớm tới đích nhằm phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập của nông dân.
Tiến Thành
Đài PT-TH Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn