Ông Hoàng Văn Phương ở bản Rừng Dài, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế (Bắc Giang) tận dụng những vật phẩm rau củ, ngô, gạo, cơm thừa... của gia đình nên thường xuyên duy trì 2 con lợi nái để cải thiện kinh tế. "Cũng có lúc giá lợn thấp quá định bỏ chuồng, nhưng thấy cơm thừa, rau, củ có sẵn trong vườn lại tiếc nên gia đình tôi vẫn cứ duy trì nuôi lợn. Nếu được Nhà nước hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ tiền mua giống, cải tạo chuồng trại, xây hầm biogas theo hướng an toàn bền vững, chúng tôi phấn khởi lắm"- ông Phương chia sẻ.
Chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn góp phần quan trọng vào phát triển ngành chăn nuôi trong nước (chụp tại xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, Hà Giang). |
Cùng chung nhận định với ông Phương, bà Chu Thị Thiềm, dân tộc Nùng, ở cùng bản Rừng Dài, thường xuyên nuôi 5 con lợn nái cho biết: "Mấy năm gần đây chăn nuôi thua lỗ, có nhiều hộ cũng đã bỏ chuồng. Giờ nếu có hỗ trợ, tôi nghĩ sẽ có nhiều hộ bỏ chuồng cũng tham gia chăn nuôi trở lại". Còn theo anh Nguyễn Văn Sáu - chủ hộ chăn nuôi gia cầm ở xã Ba Trại, huyện Ba Vì (Hà Nội) thì cho rằng, nếu có "bà đỡ" là chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước thì người chăn nuôi cũng giảm được rủi ro, kịp thời tái đàn khi nguồn cung thiếu hụt. Thực tế, theo anh Sáu, nếu giá sản phẩm chăn nuôi cứ xuống thấp và thua lỗ như năm 2012 thì người chăn nuôi thực sự đuối sức và khó vực dậy được.
Trao đổi với NTNN, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thế cho biết, trong năm 2013 huyện cũng phố hợp với Ngân hàng NNPTNT thực hiện dự án hỗ trợ người dân chăn nuôi. Theo đó, mỗi hộ nuôi lợn thương phẩm mua giống sẽ được cho vay 1 triệu đồng/con lợn, mỗi hộ không quá 50 con; đối với lợn nái, mỗi hộ được hỗ trợ 2 triệu đồng/con, mỗi hộ không quá 20 triệu đồng; đối với các hộ chăn nuôi bò, mức hỗ trợ 8 triệu đồng/con, mỗi hộ không quá 40 triệu đồng.
Các hộ dân tham gia sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất bằng 0,9%, tương đương với lãi suất cho vay của ngân hàng chính sách. "Đây là dự án hỗ trợ chăn nuôi được chúng tôi triển khai hỗ trợ ở 8 xã của huyện. Nếu Nhà nước có chính sách "cho không" tiền giống, xây hầm biogas, cải tạo chuồng trại, phát triển đồng cỏ... thay vì hỗ trợ lãi suất như của huyện thì rất tốt, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người dân đã bỏ chuồng trại trước đó sẽ tham gia chăn nuôi trở lại” - bà Xuân nói.
Phải theo hướng chuyên nghiệp
Theo dự báo của Cục Chăn nuôi, tổng đàn lợn cả nước năm 2013 đạt 27,65 triệu con, tăng 1,4%; sản lượng thịt hơi đạt 3,27 triệu tấn, tăng 3,0% so với năm 2012. Tổng đàn gia cầm đạt 382,4 triệu con, tăng 9,1% so với năm 2012...
Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh, hiện cả nước có hơn 8 triệu hộ chăn nuôi gia cầm và khoảng 4 triệu hộ chăn nuôi lợn, vì thế, chăn nuôi nông hộ có vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, chăn nuôi nông hộ cần phát triển theo hướng an toàn và chuyên nghiệp hơn, tránh tình trạng "đắt nuôi, rẻ bỏ".
"Nếu kịch bản chăn nuôi nông hộ theo hướng chuyên nghiệp và an toàn, được hiện thực hóa bên cạnh bệ đỡ chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp thì ngành chăn nuôi trong nước đủ sức tiến công thực phẩm ngoại" - ông Dương khẳng định.
Cũng theo ông Dương, Bộ NNPTNT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định 61 về khuyến khích các doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại và giết mổ tập trung công nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT (cụ thể là Cục Chăn nuôi) cũng kiến nghị Chính phủ cần hoàn thiện, ban hành chính sách hỗ trợ đổi mới và phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn bền vững.
Hữu Thông - Thanh Xuân
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn