Trong đó, điểm nổi bật của dự thảo nghị định là quy định sẽ phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi cá nhân trong nước liên kết, hợp tác trái phép với tổ chức, cá nhân nước ngoài để thu gom thủy sản tại Việt Nam, còn nếu tổ chức vi phạm thì phạt tới 100 triệu đồng. Mức phạt cao nhất nêu trong dự thảo lên tới 200 triệu đồng. Quy định còn cho phép thực hiện tịch thu tang vật vi phạm như tàu thuyền, xe vận chuyển, thu gom thủy sản... và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh của cá nhân, tổ chức vi phạm khi “bắt tay” với thương lái nước ngoài tranh mua, vơ vét thủy sản, từ 6-12 tháng.
Theo Bộ NN-PTNT, trước đây việc mua bán giữa thương nhân Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu thông qua xuất khẩu, thương lái Trung Quốc thường chỉ thu mua nông sản tại biên giới, các cửa khẩu nhưng hiện nay, họ lại vào sâu trong nội địa, không chỉ ở các tỉnh miền Bắc mà vào tận miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long để thu mua các loại thủy sản, nông sản trực tiếp với nông dân, gây ra tình trạng tranh mua, tranh bán. Điều đáng lo là ngay cả sản phẩm không đạt chất lượng, thứ mà chúng ta đang nỗ lực để ngăn chặn thì họ vẫn thu mua, thậm chí còn mua với giá cao hơn cả sản phẩm sạch.
Theo ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù đã có nhiều bài học về chuyện thương lái nước ngoài vào tận các cảng biển ở miền Trung để thu gom các loại thủy sản khai thác được, đẩy giá lên cao rồi bất ngờ đánh tụt xuống, ép giá bà con nhưng đáng buồn là vì hám lợi, vẫn có một số thương lái trong nước sẵn sàng tiếp tay cho họ. Vì vậy, nghị định ra đời để đảm bảo trật tự trong việc thu mua nguyên liệu thủy sản, giúp ngư dân không bị mắc bẫy, tránh thiệt hại.
Ngoài ra theo Bộ NN-PTNT, trong dự thảo nghị định mới đã đưa ra quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp liên kết đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trái phép và các vi phạm của tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 50-100 triệu đồng đối với trường hợp tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép tại vùng biển Việt Nam hoặc tàu cá được phép hoạt động nhưng giấy phép đã hết hạn từ 30 ngày trở lên, hoạt động sai vùng cho phép. Đồng thời tịch thu tàu cá, trục xuất thuyền viên nước ngoài rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Bộ Công thương cho biết đang xây dựng thông tư quản lý hoạt động của các thương nhân nước ngoài tại Việt Nam. Các thương lái nước ngoài vào thu gom, vơ vét nông sản nội địa thường “lách luật” bằng cách liên kết, núp bóng sau thương lái Việt Nam nên việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn. Do đó, để quản lý hiệu quả, cần có thêm các quy định xử lý cả các thương lái trong nước tiếp tay cho thương lái nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ có thêm dự thảo nghị định quy định xử phạt các vi phạm có liên quan tới việc thương lái trong nước hám lợi, tiếp tay trái phép cho thương lái nước ngoài thu gom nông sản nội địa tương tự như quy định về thủy sản.
Trần Phúc
Nguồn:sggp.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn