Từ phát triển chăn nuôi theo hướng tự phát, manh mún, số lượng đàn ít, quy mô nhỏ lẻ, tính chuyên sâu không cao, đến nay, trên địa bàn huyện Sơn Dương có hàng trăm mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có 16 mô hình kinh tế trang trại. Hàng năm, mỗi trang trại đạt doanh thu trung bình trên 700 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Để khuyến khích nông dân xây dựng trang trại, phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bền vững, UBND huyện Sơn Dương đã tạo điều kiện về hành lang pháp lý giúp bà con làm hồ sơ, thủ tục đăng ký xác nhận trang trại, gia trại, cũng như vay vốn; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập huấn quy trình chăm sóc và biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Dụng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Dương cho biết, khi tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, nhất là các loại bệnh nguy hiểm như heo tai xanh, cúm gia cầm..., các địa phương có dịch đã thực hiện tốt việc tiêu độc, khử trùng, chốt trạm tại các điểm giáp ranh, kiểm soát không để lây lan ra diện rộng. Thời gian gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá cả biến động, dịch bệnh bùng phát, thiếu vốn đầu tư song các chủ trang trại, gia trại đều nỗ lực vượt qua khó khăn theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài". Hiện, tổng vốn đầu tư cho mỗi trang trại đạt trung bình khoảng 1 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất tại các xã Hợp Hòa, Đại Phú, Sơn Nam...; doanh thu trên 1,6 tỷ đồng/năm, lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Anh Lê Văn Thu ở thôn An Thịnh (xã Đông Lợi) cho biết, gia đình lập trang trại từ năm 2007, với diện tích 2,1ha. Để chăn nuôi hiệu quả, bên cạnh chuồng trại được xây dựng kiên cố, đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, đủ ấm vào mùa đông thì việc thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng các loại dịch bệnh định kỳ, xây dựng chế độ và khẩu phần ăn hợp lý cho từng lứa tuổi của vật nuôi là rất quan trọng. Gia đình anh đang nuôi 8 con lợn nái, 30 con lợn giống, 20 con lợn thịt, 150 con nhím, 100 con vịt; giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động và 6 lao động thời vụ. Ông Đinh Quang Hiệu, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa cho biết, xã có hàng trăm mô hình chăn nuôi, thu lãi từ 20 - 50 triệu đồng/mô hình/năm. Trong số này có trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Văn Lê ở thôn Cầu Đá; trang trại tổng hợp của chị Bùi Thị Lan, chị Nguyễn Thị Thắm ở thôn Tân Trào; chăn nuôi lợn thịt, lợn nái và lợn giống của anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn Ninh Hòa. Trong quá trình hoạt động, 4 trang trại này luôn chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; ngăn không để dịch bệnh bùng phát. Mở rộng quy mô trang trại, gia trại là động lực quan trọng thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Đây cũng là đòn bẩy thúc đẩy công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đào Thanh Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn