PV: Thưa ông, khi kinh tế rơi vào suy thoái trầm trọng nhiều ý kiến cho rằng, chính nông nghiệp là bệ đỡ cho kinh tế và những người nông dân chân lấm tay bùn đã"cứu” cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này? Ông Nguyễn Quốc Cường: Tôi hoàn toàn đồng tình với những ý kiến như vậy. Nông nghiệp - nông dân - nông thôn như là cái phao cho cả nền kinh tế. Khi bình thường thì không thấy quan trọng lắm đâu. Nhưng khi lên thác, xuống ghềnh, sẽ thấy đó là cơ sở để đất nước ổn định. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực này năm qua, có thể nói đó cũng là một trong những kết quả đáng tự hào nhất trong phát triển nền kinh tế của đất nước. Thực tế năm 2012, ngành nông nghiệp xuất siêu 10,6 tỷ USD, bất chấp những tác động tiêu cực của khủng hoảng nợ công ở khu vực châu Âu, sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới, khiến giá nhiều loại nông sản liên tục giảm, đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, càphê, cao su…, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của nước ta đều tăng mạnh cả về khối lượng và kim ngạch so với năm 2011. Chẳng hạn giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,8%, lâm nghiệp tăng 6,4%, thủy sản tăng 4,5%. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo đã ghi thêm kỷ lục mới về khối lượng xuất khẩu với 8,1 triệu tấn (tăng 13,9%), thu về 3,7 tỷ USD; sản xuất cà phê vừa được mùa, vừa được giá và xuất khẩu đã vượt Brazil, vươn lên đứng đầu thế giới…Tốc độ tăng trưởng toàn ngành (GDP) đạt 2,72%. Nhiều năm lắng nghe "hơi thở” của tam nông, ông đã thấy công lao của "chiếc phao” cứu nền kinh tế này đã được ghi nhận xứng đáng? Có thể khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của Đảng. Trong cả lý luận và thực tiễn, Ðảng ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí tầm chiến lược quan trọng, coi đó là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, xã hội. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, chúng ta chưa thực sự công bằng trong đối đãi lĩnh vực này. Mặc dù Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhưng mới chỉ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu, vì vậy chưa phát huy hết tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn, chưa tương xứng với tỷ lệ dân số Việt Nam gắn với nông nghiệp, nông thôn, đồng thời, cũng chưa có chính sách, giải pháp hữu hiệu để huy động được nhiều nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp và toàn xã hội cho khu vực này. Hay như trong việc đề ra các chính sách. Hiện nay, người nông dân cần nhiều hơn là các giúp đỡ của Nhà nước kiểu "con cá”, "cần câu”, vì họ chờ đợi, kỳ vọng có những chính sách, cơ chế mới để tạo đột phá trong công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông thôn. Trong bối cảnh chuyển động mạnh mẽ hiện nay của cả nền kinh tế, nhiều chính sách cho nông dân đã lạc hậu với thời cuộc, nhưng việc sửa đổi chưa kịp thời như mong muốn. Ví dụ như tiến độ sửa đổi Luật Đất đai. Một điều cản trở công cuộc thoát nghèo, làm giàu của nông dân đó là câu chuyện sản phẩm làm ra không tìm được đường tiêu thụ, điệp khúc được mùa rớt giá vẫn cứ diễn ra? Đúng là nông dân luôn phải là những người chịu thiệt thòi nhất khi phải một nắng hai sương trên đồng ruộng nhưng nông sản luôn rơi vào cảnh được mùa rớt giá hoặc ngược lại. Sở dĩ để xảy ra tình trạng này là vì chất lượng sản phẩm của chúng ta, đa số là xuất thô. Chẳng hạn ta là nước xuất khẩu gạo nhất, nhì thế giới nhưng ngoại tệ thu về rất thấp. Muốn dứt được tình trạng này cần đầu tư mạnh hơn nữa cho nông nghiệp. Cần có cơ chế chính sách ưu đãi cho nông dân, doanh nghiệp đầu tư các công đoạn cơ giới hóa như máy gặt đập liên hợp, lò sấy lúa, kho chứa hiện đại gắn kết với hình thức bao tiêu thu mua hợp lý và chính sách bảo hiểm nông nghiệp... để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Để bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa, Chính phủ cũng đã thông qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam ứng vốn cho các doanh nghiệp mua tạm trữ để bình ổn giá mỗi khi giá lúa xuống thấp, vậy mà nông dân vẫn thua thiệt. Theo ông cần những chính sách gì để câu chuyện được mùa rớt giá không còn tái diễn? Có chuyện Chính phủ tìm mọi cách hỗ trợ cho nông dân thông qua các doanh nghiệp nhưng phương thức thực hiện chưa được hiệu quả. Vấn đề là sự hỗ trợ đó phải tới tay người nông dân, tránh tình trạng tạm thời. Theo tôi, cần phải hỗ trợ bà con nông dân ở cả đầu vào và đầu ra, chứ không hỗ trợ kiểu sự vụ như hiện nay. Chẳng hạn, ở đầu vào, hiện nông dân đang phải vay vốn lãi suất rất cao, khoảng 13%-15%/năm mà chưa nhận được những ưu đãi riêng. Vì vậy, cần phải hạ lãi suất xuống, với nông dân sản xuất trực tiếp chỉ nên ở khoảng 0% đến 4% thôi. Ở đầu ra của sản phẩm cũng phải hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân. Hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm thế nào cho hiệu quả, theo tôi cần tính toán thêm, nhưng hiện một số địa phương chủ động xây dựng dự án chợ lúa gạo. Đây sẽ là nơi bảo quản lúa cho bà con nông dân và không tính tiền lưu kho. Nếu thu hoạch xong mà nông dân chưa muốn bán thì gửi vào kho. Trong lúc gửi sản phẩm vào kho nếu bà con có nhu cầu vay để tái đầu tư thì sẽ được hỗ trợ cho vay 50% giá trị của số lúa này với lãi suất 0% đến 1% để tái đầu tư. Nếu người đến mua sản phẩm của bà con ngân hàng và Ban quản lý chợ sẽ chịu trách nhiệm khấu trừ tiền cho vay, rồi trả lại cho người có lúa phần còn lại. Tôi nghĩ rằng, đây là cách làm hay mà các địa phương có nông sản nên tính toán theo phương thức này để giúp đỡ một cách thiết thực cho nông dân. Trân trọng cảm ơn ông! Khánh Ly (thực hiện) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn